Linh hoạt ứng phó dịch Covid-19

24/04/2020 - 08:26

Dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đình trệ, kể cả những sản phẩm chủ lực. Để vượt khó, không ít DN đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng mới, đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Sản xuất khẩu trang kháng khuẩn tại Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Hà Nội).

Sáng tạo trong gian khó

Trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành và tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế, việc ổn định sản xuất, bảo đảm tiền lương, chăm lo người lao động đang là yếu tố sống còn của các DN. Nhiều đơn vị đã không ngừng nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới nhằm bảo đảm mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và duy trì ổn định nguồn lực sản xuất. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, ngay thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát, Tập đoàn đã huy động tổng lực để sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn cung cấp ra thị trường. Tuy là mặt hàng mới, chưa sản xuất bao giờ, nhưng với sự nỗ lực vượt khó của mình, đến nay Vinatex đã cung cấp ra thị trường hơn 60 triệu chiếc. Hiện đơn vị cũng đang tổ chức năng lực sản xuất để có thể đạt 100 triệu khẩu trang mỗi tháng, phục vụ phòng, chống dịch trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tương tự, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Dệt kim Đông Xuân) Trần Việt, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài bị đình trệ, đơn vị đã nghiên cứu và chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang. Hiện năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của công ty đạt 50 nghìn sản phẩm/ngày và có thể nâng lên 300 nghìn sản phẩm/ngày, bảo đảm đời sống, việc làm cho hơn 1.000 lao động. Cũng trong xu thế chung, sản xuất khẩu trang đã giúp Tổng công ty May 10 tránh bị ảnh hưởng nặng nề khi các đối tác, khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) hủy đơn hàng và lùi tiến độ giao hàng, tạo việc làm cho 12 nghìn lao động và bù đắp phần thiếu hụt đơn hàng từ các sản phẩm truyền thống. Việc chuyển sang sản xuất mặt hàng hoàn toàn mới đã thể hiện sự phản ứng linh hoạt, nhanh nhạy của công ty trước bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Song song với công tác phòng, chống dịch nghiêm túc, nhiều đơn vị đã chủ động nguồn lực, sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Đơn cử, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm sát khuẩn, nhất là nước rửa tay khô, bảo đảm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bình ổn giá trên thị trường. Trong đó, Công ty cổ phần bột giặt Lix sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm nước rửa tay khô On1; Công ty cổ phần xà-phòng Hà Nội sản xuất nước rửa tay Kazoku; Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam sản xuất các sản phẩm gel rửa tay khô kháng khuẩn: Vip 1, Vip Safe, Vip One, dung dịch kháng khuẩn Vip Care,... Với sự phản ứng nhanh, chủ động của mình đã giúp các đơn vị thành viên giảm tổn thất đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho hàng nghìn người lao động. Bên cạnh đó, Vinachem và các đơn vị thành viên cũng dành 21.161 chai gel rửa tay khô kháng khuẩn Vip 1, On1 và 63 nghìn lít dung dịch khử khuẩn De-Virus (dùng cho công nghiệp) tặng các lực lượng vũ trang, bệnh viện, các cơ quan, xí nghiệp, vùng tâm dịch.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, ngoài sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu trong nước, May 10 đang nhận được các đơn hàng nước ngoài với số lượng lớn. Đơn cử, một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn, với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu theo kế hoạch năm của đơn vị), thời gian dự kiến giao hàng từ tháng 7 tới. Một khách hàng từ Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong vòng sáu tuần tới; một khách hàng từ Đức đặt mua hai triệu khẩu trang vải, sáu triệu khẩu trang kháng khuẩn. Bên cạnh đó, có đối tác đề xuất May 10 cung cấp hai triệu bộ đồ phòng, chống dịch. Tương tự, Tổng Giám đốc Dệt kim Đông Xuân Trần Việt cho biết thêm, đơn vị đã nghiên cứu và chuẩn bị ra mắt bộ quần áo phòng dịch bằng vải kháng khuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã kết nối với các DN, đưa khẩu trang vải kháng khuẩn vào tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Song, theo nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ phòng dịch bằng vải, hiện còn thiếu một số hướng dẫn về tiêu chuẩn cho nên việc sản xuất, xuất khẩu còn gặp lúng túng. Đại diện Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội (Hafasco), thành viên Tập đoàn BRG cho biết, đơn vị vừa cung cấp khẩu trang hai lớp vải kháng khuẩn chất lượng cao ra thị trường. Với năng lực sản xuất đạt một triệu chiếc/tháng, Hafasco sẽ đẩy nhanh việc đưa số lượng khẩu trang lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trước cao điểm của dịch bệnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm khẩu trang tới các cơ quan nước ngoài để tận dụng thời cơ xuất khẩu sản phẩm tới một số khách hàng tại các khu vực trọng điểm đang bị dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Không chỉ các DN dệt may, hóa chất mà các DN ngành dầu khí cũng gặp rất nhiều khó khăn trước tác động của dịch Covid-19. Để vượt khó, bên cạnh các giải pháp tình thế nhằm giảm lượng hàng tồn kho, cân đối nguồn lực, bảo đảm hoạt động, vận hành an toàn Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất) đã tăng cường nghiên cứu gia tăng hiệu quả sản xuất nhiên liệu cho động cơ phản lực (JetA1) nhằm đáp ứng nhu cầu hàng không trong nước và thế giới thời gian tới, tối ưu hóa hệ thống để nâng công suất lên đến 130%, làm lợi 3,2 triệu USD. Sáng kiến này đã làm lợi cho đơn vị 35 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên áp dụng. Ngoài giá trị kinh tế mang lại, sáng kiến này còn tạo điều kiện thuận lợi để BSR có thể chế biến được các loại dầu thô thay thế Bạch Hổ đang trên đà suy giảm sản lượng. Đại diện BSR cho biết, công ty hiện xác định được 67 loại dầu thô tiềm năng có thể phối trộn với dầu thô Bạch Hổ, trong đó, có chín loại dầu Việt Nam và 58 loại dầu nhập khẩu. Trên thực tế đã chế biến được 19 loại dầu thô khác nhau ngoài dầu thô Bạch Hổ, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu dầu thô cho NMLD Dung Quất, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn dầu thô cho NMLD Dung Quất, đáp ứng chiến lược chế biến dầu thô ngoại nhập hơn 50% thể tích từ năm 2020 của BSR và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên “vàng đen” của Việt Nam.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ngày 6-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương đẩy nhanh việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó có các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Mỹ, đồng thời đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa. Đây là cơ hội giúp các DN tìm hướng xuất khẩu, bù đắp những thiếu hụt sản phẩm truyền thống và giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Theo MINH ĐỨC (Báo Nhân Dân)