Linh thiêng Đền Mẫu Âu Cơ

24/09/2023 - 19:22

Đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Từ lâu, trong tâm thức của muôn dân đất Việt, Đền Mẫu Âu Cơ gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã trở thành một nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt, là biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội con Lạc cháu Hồng của muôn dân đất Việt. Trong thời kỳ hội nhập, nghiên cứu giá trị của Đền Mẫu Âu Cơ gắn với phát triển du lịch tâm linh về cội nguồn dân tộc là hướng đi bảo tồn và phát huy giá trị nhiều mặt của di sản.

Các nữ quan thực hiện phần tế lễ theo nghi thức truyền thống tại Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.

Ấm áp huyền tích xưa

Từ trung tâm thành phố Việt Trì, theo hướng cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ hơn một giờ đồng hồ là du khách đến Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Đến đây, mỗi người con đất Việt không chỉ có được những khoảnh khắc yên bình, mà còn được đắm chìm trong không gian huyền thoại về hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng. Hình tượng này đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng, tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam.

Tương truyền rằng, nàng Âu Cơ là “Tiên nữ giáng trần”, không chỉ rất xinh đẹp, “so hoa hoa biết nói, so ngọc ngọc ngát hương” mà nàng Âu Cơ còn chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật nên thường được gọi là “Đệ nhất tiên thiên công chúa”. Sau khi kết duyên với Lạc Long Quân- con trai của Kinh Dương Vương, nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con. Một ngày, thấy các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm dương hợp lại mà thành trăm con, nhưng chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói rồi, bèn chia 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển, chia nước ra để cai trị lưu truyền dài lâu.

 Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.

Trong 50 người con theo mẹ thì người con cả lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, 49 người con tiếp tục theo Mẹ lên rừng, đến trang Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, trấn Tây Sơn, thấy ba bề sông nước uốn quanh lung linh bóng núi, đất đai màu mỡ, cỏ cây hoa lá tốt tươi, là nơi hội tụ của cá chim, muông thú Mẹ Âu Cơ liền chọn nơi này làm chốn dừng chân và cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Thế rồi từ đó vùng đất này trở nên trù phú, vạn vật tốt tươi. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ Âu Cơ lại cùng các con đi mở mang vùng đất mới. Đến khi giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng bà lại trở về Hiền Lương - nơi bà đã chọn gắn bó cuộc đời mình. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, sau khi thay xiêm áo Mẹ Âu Cơ giữ lại dải khăn đào và theo các Tiên nữ bay về trời. Mẹ cố bay thật thấp để nhìn thấy con cháu và nơi ở lần cuối, rồi thả dải lụa đào vương trên cây đa cổ thụ. Chỗ mẹ thả dải lụa, sau này đã được người dân trong vùng dựng lên ngôi miếu phụng thờ, đời đời hương khói - đó là miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Năm 1456 Vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức sai Giám Quốc Sư đến Hiền Lương phong sắc và cấp 30 quan tiền tôn tạo miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Cũng chính từ thời gian này tên gọi đền Mẫu Âu Cơ đã thay thế miếu thờ Mẫu Âu Cơ. Từ đây nhân dân Hiền Lương, nhân dân Hạ Hòa giữ gìn, trùng tu Đền đời đời phụng thờ hương khói.

Ngày lễ chính của đền Mẫu Âu Cơ là ngày “Tiên giáng” mùng bảy tháng Giêng, ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác là ngày 10-11 tháng 2, ngày 12 tháng 3, ngày 13 tháng 8...

Giá trị tâm linh

Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng nhằm tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Hình tượng vĩ đại ấy là kết tinh của những cốt lõi lịch sử, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hoá thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ được biểu hiện và thực hành qua nhiều hình thức, trong đó, tập trung nhất vào việc tổ chức thờ cúng Mẫu Âu Cơ và các con, cháu của Mẫu từ ngày 7 đến ngày 9 tháng Giêng hàng năm. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một di sản văn hóa đặc trưng của người Việt với đầy đủ các biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ và truyền thống. Được ra đời và tồn tại trên vùng Đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân- Âu Cơ và bọc trăm trứng; thể hiện niềm tin của người dân nước Việt vào nguồn cội thiêng liêng, cao quý của dân tộc đã hình thành nên tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, góp phần củng cố sự tồn tại của biểu tượng dân tộc.

Là di tích lịch sử văn hoá tồn tại hơn 5 thế kỷ, đền Mẫu Âu Cơ đã 3 lần được các triều đại Nhà nước Việt Nam công nhận là đền quốc tế. Thế kỷ XV (1465) nhà Lê phong sắc và cho xây dựng đền to, rộng như hiện nay. Thế kỷ XIX nhà Nguyễn một lần nữa lại phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ. Ngày 3/8/1991 Bộ Văn hoá thông tin nước CHXHCN Việt Nam cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá Quốc gia đền Mẫu Âu Cơ. Ngày 23/1/2017 Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Năm 2019, Tượng Mẫu Âu Cơ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đền Mẫu Âu Cơ kết hợp với chùa Linh Phúc và đình Đức Ông tạo thành một quần thể di tích có sức hút đặc biệt, đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân.

Đồng bào, du khách thập phương về dâng hương, dự lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.

Gắn với phát triển du lịch

Dẫu vật đổi sao dời, dẫu thời gian có biến thiên, không gian có xoay vòng thì từ bao đời nay, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vẫn chảy mãi trong huyết quản mỗi người con đất Việt. Miếng cơm hôm nay bắt nguồn từ cây lúa ngày xưa Mẹ Âu Cơ dạy ta cày cấy. Áo quần ta mặc cũng từ cây dâu, con tằm Mẹ dạy ta trồng. Núi sông hùng vĩ này, giang sơn gấm vóc này là do xưa kia cha Rồng, mẹ Tiên của ta khai khẩn để cho con cháu ngàn đời sau. Với những giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc, Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ đã được tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng, phát triển trở thành một trong những điểm du lịch đầu tiên của tỉnh.

Trong những năm qua, huyện Hạ Hòa đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích, quản lý tốt các hoạt động Lễ hội hàng năm, tiến hành cải tạo cảnh quan, khuôn viên, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của khu di tích, mở rộng bãi đỗ xe, đường vào, khu vực trồng cây lưu niệm; xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; mở các gian hàng quảng bá sản phẩm du lịch tại Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, duy trì quầy thông tin và bán sản phẩm tại khu vực đền Mẫu; xây dựng nhà lưu niệm trưng bày và quảng bá các sản vật của Hạ Hòa.

Đến nay điểm du lịch Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí công nhận điểm du lịch địa phương. Hàng năm tại đền Mẫu Âu Cơ đón và phục vụ khoảng 70.000- 80.000 lượt khách tham quan. Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa tâm linh Đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương là sự bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời, còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế trong thời kỳ hội nhập.Đền Mẫu Âu Cơ và lễ hội là dịp, là nơi để muôn dân bách Việt hướng về cội nguồn, tri ân công đức của Quốc Mẫu Âu Cơ, nhân lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Để rồi, người dân Hiền Lương còn truyền nhau mãi câu ca: “Anh em Bách Việt ta ơi!/Ngày Xuân thong thả tới nơi xem tường/Dân ngày hội tế Mẫu Vương/Người sinh ra tổ Hùng Vương nước nhà”…

Theo NGUYỄN NGỌC ANH (Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa/Báo Phú Thọ)