Niềm vui nhân đôi
Ngày 24-7 vừa qua, trên địa bàn xã Lương Phi đón nhận 2 niềm vui cùng lúc: UBND huyện Tri Tôn phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thành công buổi lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc, trong khi Đoàn công tác tỉnh tiến hành kiểm tra, thẩm định, thống nhất đánh giá Lương Phi đủ tiêu chuẩn công nhận xã NTM. Nếu như căn cứ Ô Tà Sóc là niềm tự hào của Lương Phi trong quá khứ (địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) thì NTM chính là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lương Phi hôm nay.
Kết quả thẩm định của đoàn công tác tỉnh cho thấy, Lương Phi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với 49/49 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Bằng nhiều nỗ lực, địa phương đã huy động tổng kinh phí trên 164 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn. Từ nguồn vốn này, Lương Phi đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình điện, đường, trường, trạm… đáp ứng nhu cầu dân sinh. “Nhờ tập trung xây dựng NTM, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể, điều kiện giao thông đi lại thuận tiện, tỷ lệ hộ sử dụng điện, sử dụng nước sạch được nâng lên, cảnh quan môi trường không ngừng chỉnh trang xanh-sạch-đẹp, chất lượng khám và điều trị bệnh ngày càng tốt hơn. Đến nay, số hộ nghèo giảm còn 2,44%, thu nhập bình quân đầu người trên 47 triệu đồng/năm, 75% trường học đạt chuẩn quốc gia” - Chủ tịch UBND xã Lương Phi Phạm Minh Hải nhấn mạnh.
Bằng nỗ lực xây dựng NTM, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân xã Lương Phi không ngừng nâng cao. Mỗi ấp đều có điểm sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tất cả học sinh đều được chăm lo, tạo điều kiện đến trường
Các tuyến đường trong phum, sóc sạch, đẹp
Vươn lên từ khó khăn
Nếu như ở các địa phương đồng bằng, điều kiện giao thông thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển, quá trình xây dựng NTM có thể diễn ra nhanh thì ở huyện miền núi như Tri Tôn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh thì xây dựng NTM diễn ra chậm và khó khăn hơn. Nếu được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn xã NTM thì Lương Phi chỉ mới là địa phương thứ 3 của huyện Tri Tôn có niềm vinh dự này (2 xã đạt NTM trước đó là Vĩnh Gia và Tà Đảnh). Nói như vậy để thấy rằng, việc hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là nỗ lực, quyết tâm chính trị rất lớn không chỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lương Phi, mà còn là của Đảng bộ huyện Tri Tôn. Quyết tâm để Lương Phi về đích NTM sẽ tạo động lực để các xã còn lại trên địa bàn huyện phấn đấu theo.
Lương Phi có quyền tự hào với NTM bởi trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này, Lương Phi vẫn là huyện miền núi, dân tộc với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã Lương Phi Phạm Minh Hải cho biết, với đặc thù là xã thuần nông (95% người dân số bằng nghề nông nghiệp), năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ 24,88 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao (10,14%), dân trí thấp, đường sá đi lại khó khăn, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông trong phum, sóc. Trong khi đó, các điều kiện về trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt... trên địa bàn xã chưa hoàn thiện; các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục-thể thao còn hạn chế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Về kinh tế, các mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, phương tiện sản xuất còn thủ công, thô sơ, thiếu vốn đầu tư... “Một trong những mục tiêu xây dựng NTM là nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị đơn vị sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Khi hoàn thành xây dựng NTM, giao thông phát triển, trình độ sản xuất và tính liên kết nâng lên, tạo thuận lợi trong kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương” - ông Phạm Minh Hải đánh giá.
Lương Phi là xã thuần nông, có diện tích tự nhiên 4.115ha. Toàn xã có 8 ấp (An Thành, An Nhơn, Tà Miệt, An Ninh, Tà Dung, Sà Lôn, An Lương và Ô Tà Sóc), với 2.674 hộ (10.376 nhân khẩu) trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chiếm 30% dân số. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN