Luyện tập bóng bàn tăng cường sức khỏe

05/10/2023 - 06:02

 - Với đặc điểm dễ chơi; chi phí đầu tư, mua sắm dụng cụ thấp; không đòi hỏi nhiều diện tích mặt bằng; không hạn chế đối tượng người tham gia… môn bóng bàn hiện đang được phát triển, nhân rộng ở nhiều địa phương. Nhiều câu lạc bộ (CLB) được thành lập, hoạt động nền nếp, hiệu quả; nhiều giải thi đấu, giao lưu bóng bàn được tổ chức… Qua đó, góp phần tạo sân chơi bổ ích cho những người có niềm đam mê với “trái bóng nhỏ”.

Phong trào luyện tập bóng bàn được phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh

Gần đây, môn bóng bàn đang dần “lấy lại chỗ đứng” trong các hoạt động thể dục - thể thao (TDTT) của người dân. Phát triển mạnh nhất là huyện Chợ Mới, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên. Môn thể thao này hấp dẫn nhiều người tập luyện vì nó rèn luyện kỹ thuật khéo léo, không cần nhiều sức lực, tính đối kháng cao, chi phí tập luyện không quá tốn kém…

 Để chơi được bóng bàn, người chơi cần có những kỹ năng cơ bản. Không giống như bóng đá hay cầu lông chỉ cần một vài giờ tập luyện hoặc dài nhất là vài ngày thì có thể chơi được. Chơi bóng bàn đòi hỏi người chơi phải tập luyện vất vả, trong một thời gian dài. Sự tinh tế của bóng bàn thể hiện ở sự khéo léo và chính xác của người chơi. Việc này đòi hỏi người chơi phải quan sát tốt, phản xạ nhanh và di chuyển thật tốt.

Bạn Phạm Chí Công (TP. Châu Đốc) cho biết, do chấn thương trong khi chơi bóng đá nên khoảng 1 năm gần đây, Chí Công chuyển sang chơi bóng bàn. “Ban đầu cầm vợt khá ngượng. Tuy nhiên, luyện tập trong thời gian dài, kết hợp với sự hướng dẫn nhiệt tình của những người đi trước mà kỹ thuật dần được cải thiện. Chơi môn thể thao này quan trọng nhất là sự dẻo tay để đường bóng chính xác và phải có niềm đam mê mới có thể gắn bó môn thể thao này” - Chí Công chia sẻ.

Luyện tập, thi đấu bóng bàn sẽ giúp người chơi nâng cao sự nhanh nhẹn và dẻo dai. Do không có thiết bị nặng nào được sử dụng và có ít nguy cơ va chạm hay té ngã... nên chơi bóng bàn ít gặp chấn thương hơn so các môn thể thao khác. Điều đặc biệt, chơi bóng bàn không chiếm nhiều diện tích như các môn thể thao khác. Người chơi chỉ cần một căn phòng nhỏ, đủ chỗ để đặt bàn bóng, không sợ ảnh hưởng của thời tiết. Hơn nữa, số lượng người chơi không quá nhiều như bóng đá hay bóng rổ, bóng chuyền, chỉ cần 2 người là có thể chơi được.

Anh Lê Văn Được (huyện Chợ Mới) cho biết, thời gian gần đây, mỗi khi đi làm về, anh nán lại để chơi bóng bàn cùng đồng nghiệp. “Chơi bóng bàn giúp rèn luyện thân thể. Môn thể thao này khá nhẹ nhàng nhưng lại vận động được toàn bộ cơ thể nên ra rất nhiều mồ hôi. Nhờ chơi bóng bàn mà sức khỏe của tôi dần được cải thiện” - anh Được chia sẻ.

Cùng với sự phát triển của môn bóng bàn, nhiều CLB đã thành lập và hoạt động nền nếp ở một vài địa phương trong tỉnh. Qua đó, tạo sân chơi vui vẻ, lành mạnh cho những người có niềm đam mê môn thể thao này. Đặc biệt, thông qua quá trình hoạt động, các CLB còn thường xuyên tổ chức các giải thi đấu để giao lưu, cọ xát, nâng cao trình độ kỹ thuật. Đồng thời, tạo cầu nối giao lưu, gắn kết những người yêu bóng bàn trong tỉnh…

Với việc tập luyện môn bóng bàn đã góp phần thiết thực, phát huy hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Từ đó, tạo điều kiện cho những người đam mê có dịp tham gia các giải đấu, hội thao trong và ngoài tỉnh, vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa giao lưu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy là phong trào bóng bàn ở An Giang vẫn mang tính tự phát, số lượng người tham gia luyện tập còn ít, số lượng giải đấu còn hạn chế… Do đó, thời gian tới, môn thể thao này rất cần sự quan tâm của ngành TDTT; các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, phát triển phong trào, tổ chức các giải giao lưu, thi đấu... Từ đó, tạo nền móng vững chắc để tuyển chọn, đào tạo vận động viên, từng bước đưa bóng bàn trở thành môn thể thao thành tích cao của tỉnh.

MINH ĐỨC