Cùng nhau vượt khó
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều DN trong tỉnh An Giang gặp khó khăn về nguồn lao động, đứt gãy chuỗi sản xuất - kinh doanh, gián đoạn lưu thông hàng hóa… Trong bối cảnh đó, Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã quan tâm xây dựng hiệp hội thành mái nhà chung, luôn thân thiện chia sẻ với hội viên, sẵn sàng tiếp nhận khó khăn, vướng mắc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề xuất của DN để báo cáo đến UBND tỉnh, kiến nghị các sở, ngành xử lý.
TS Hồ Việt Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang cho biết, đối với các DN, dù là hội viên hay chưa phải là hội viên, đều được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tận tâm phục vụ. Trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chủ động liên hệ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban Quản lý Khu Công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú) và một số sở, ngành để hỗ trợ Công ty thủy sản Green Sea (Khu công nghiệp Bình Long) trong việc xin phép hoạt động “3 tại chỗ” để giải quyết hàng tồn kho. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn tặng 10 phần quà cho công ty, mặc dù DN này không phải là hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Phối hợp hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp bằng ứng dụng số
Nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đã làm cầu nối đăng ký tiêm vaccine cho các DN có nhu cầu. Kết quả, có 215 người được hỗ trợ tiêm 2 mũi vaccine (bao gồm DN hội viên và một số DN ngoài hiệp hội).
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang còn vận động hơn 4.000 cán bộ, công nhân viên của các DN tiêm vaccine Vero Cell (gần đây, đã được tiêm mũi 3 tăng cường). Ngoài TP. Long Xuyên được kết nối tiêm vaccine trực tiếp, đối với các huyện, thị xã, thành phố còn lại trong tỉnh, Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã hướng dẫn DN hội viên lập danh sách đăng ký tiêm vaccine cho toàn thể nhân sự DN.
“Trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, DN rất cần sự quan tâm của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang. Hiệp hội đã phát huy vai trò làm cầu nối giữa DN với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết khó khăn, tư vấn hỗ trợ các thủ tục về đất đai, tín dụng ngân hàng, nguồn vốn, vận chuyển, vaccine… một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh tiếp nhận trực tiếp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đã gửi phiếu khảo sát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của DN để kiến nghị tháo gỡ, giúp DN hoạt động ổn định. Năm 2021, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tham dự 30 cuộc hội nghị, hội thảo tổ chức bình thường và 12 cuộc hội nghị trực tuyến, đặc biệt hội nghị đối thoại DN của UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN thiết thực để tái hoạt động hiệu quả trong điều kiện bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội” - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp nhấn mạnh.
Củng cố niềm tin
TS Hồ Việt Hiệp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tác động, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khuyến khích DN sử dụng sàn thương mại điện tử, tư vấn sử dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả marketing, giúp DN kết nối, mở rộng thị trường. DN được tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các buổi hội thảo, giao thương bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời, quan tâm giới thiệu sản phẩm hội viên để các DN giao thương với nhau.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đã giúp DN lập hồ sơ bình chọn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Kết quả, sản phẩm nước khoáng SM đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn tư vấn, giúp hội viên tìm hiểu về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xem xét việc xúc tiến thương mại sản phẩm An Giang sang nước Úc.
Doanh nghiệp An Giang tích cực hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 và an sinh xã hội. Ảnh: NGÔ CHUẨN - THANH HÙNG
Nhằm thích ứng với thời đại công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tích cực quan tâm công tác chuyển đổi số cho DN. Hiệp hội đang thực hiện dự án ATALINK để hỗ trợ 1.000 DN tỉnh An Giang tham gia chuyển đổi số trong giải pháp chuỗi cung ứng. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn trực tuyến (online), thu hút trên 300 học viên tham dự; phối hợp chặt chẽ với một số sở, ngành hỗ trợ DN tiếp cận khoa học - kỹ thuật, tập huấn trực tuyến, giới thiệu nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà đầu tư…
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hội viên, Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đã thành lập thêm nhóm Zalo thứ 2, chuyên tập trung cung cấp văn bản, chính sách, thông tin có liên quan đến DN, thông báo hoạt động hiệp hội, giúp DN hội viên tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời.
Nhờ quan tâm xây dựng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang thành mái nhà chung, trở thành điểm tựa tinh thần của hội viên nên hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ngày càng được DN ủng hộ. Năm 2021, dù gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng DN vẫn tích cực đóng hội phí.
Theo đó, có 88 hội viên nộp hội phí với số tiền 193 triệu đồng, tăng 3,86 lần so với năm 2020 (chỉ thu được 50 triệu đồng). DN còn tích cực đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội (lần đầu tiên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh lập được Quỹ An sinh xã hội, hiện còn tồn quỹ 25 triệu đồng). DN còn đóng góp 10.000 khẩu trang y tế cùng nhiều thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; ủng hộ gần 13,5 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng COVID-19; ủng hộ hơn 8 tỷ đồng chi quà Tết, hoạt động phòng, chống dịch; hỗ trợ 3 căn nhà cho người nghèo (trị giá 170 triệu đồng)…
Năm 2022, cùng với kiện toàn Ban Chấp hành, bầu Tổng Thư ký, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh dự kiến thành lập 2 chi hội ngành nghề (Chi hội Lương thực - Chế biến thực phẩm và Chi hội Tin học - Công nghệ thông tin), củng cố 2 chi hội DN (huyện Phú Tân và huyện Châu Thành), thành lập Ban Hỗ trợ doanh nghiệp (trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh), xin ý kiến UBND tỉnh về việc thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp tỉnh An Giang tại TP. Hồ Chí Minh, tổ chức hội nghị thường niên toàn thể hội viên DN
|
NGÔ CHUẨN