Dù là người An Giang nhưng không phải ai cũng biết địa danh này ra đời năm 1832, là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của Nam Kỳ. Tên gọi ban đầu là Tầm Phong Long. Theo cụ Vương Hồng Sển, tên gọi trên có nghĩa là bến, vũng, sông của vua, vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an lành. Trước là đạo Châu Đốc, sau đó đổi tên thành Châu Đốc Tân Cương vào năm 1808. Tỉnh An Giang trong Nam Kỳ lục tỉnh diện tích khá rộng lớn, phía bắc từ thượng nguồn sông Tiền cho đến phía nam “sông cái biển Đông” (gồm các tỉnh: Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng ngày nay); phía tây giáp Campuchia từ cửa sông Tiền đến sông Hậu và tiếp giáp sông Cái Bồn (Kiên Giang). Qua nhiều lần tách, nhập, thay đổi nhưng tên gọi An Giang vẫn giữ cho đến bây giờ.
Đến 3 xã: Nhơn Hội, Khánh An, Khánh Bình (An Phú) sẽ được chiêm ngưỡng búng Bình Thiên do thiên nhiên ban tặng. Đây là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất Tây Nam Bộ và là một trong những hồ có hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Búng Bình Thiên nghĩa là hồ nước yên bình do trời ban. Tương truyền, cuối thế kỷ XVIII, tướng nhà Tây Sơn Võ Văn Vương kéo quân về An Giang chọn nơi đây làm căn cứ tích trữ lương thảo, luyện tập binh sĩ. Do khu vực này khô cằn, vị tướng làm lễ tế cáo trời - đất xin ban nguồn nước để sinh hoạt. Khấn vái xong, ông rút gươm đâm xuống lòng đất. Lạ thay, một dòng nước ngọt trong vắt phun lên cao, tràn ngập lênh láng thành hồ như ngày nay - ông đặt tên là búng Bình Thiên. Điều lý thú là dù nước sông Hậu đục ngầu nhưng khi tràn vào hồ thì lập tức trong vắt. Nước trong hồ cứ dâng lên, hạ xuống nhưng không hề thấy chảy.
Đi theo Quốc lộ 91 về hướng bắc chừng 30km, qua phà Năng Gù trên sông Vàm Nao, sẽ bắt gặp con kênh Thần Nông nổi tiếng một thời, phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho một vùng rộng lớn. Kênh đào năm 1882 do ông Trần Hữu Quận, Phó Tổng An Lạc chỉ huy, đi qua các xã: Tân Hòa, Phú Xuân, Hiệp Xương, Hòa Lạc (Phú Tân) nối kênh Vĩnh An, Phú Vĩnh, Cái Đầm thông ra sông Hậu. Kênh sâu 2,5m, rộng 6m, đào được 6 năm, dài khoảng 25km thì tạm dừng. Ban đầu gọi là kênh Mới, sau đổi tên Thần Nông. Theo ông Nguyễn Văn Kiềm (tác giả biên khảo cuốn Tân Châu), lúc đó vùng này có giống chim Nông to lớn, thường “sống chung” với nông dân nên gọi kênh là Giồng Nông. Thấy tên này không đẹp, không phù hợp khi khai hoang trồng lúa, bà con lấy tên Thần Nông đặt cho kênh và định danh cho đến bây giờ.
Vãn cảnh vào Bảy Núi dù đếm được trên 30 ngọn, sẽ bắt gặp một loạt tên gọi như: Nhà Bàn hay Nhà Bàng, Tức Dụp hay Tức Chóp…. Như địa danh Tịnh Biên đã có nhiều giải thích nhưng vẫn còn nhiều ý kiến. Theo tác giả Huỳnh Công Tính, có thể từ “Tuy Biên” thành “Tĩnh Biên” rồi “Tịnh Biên”, nghĩa là vùng đất biên giới thanh bình, yên ả. Tiếng Khmer gọi Tịnh Biên là cây (dây) nhãn lồng, loại dây phổ biến ở địa phương.
Về “Vương quốc Phù Nam”, cái tên Ba Thê, Óc Eo, núi Sập… đối với nhiều người vẫn là địa danh kỳ lạ. Cư dân ở đây mỗi ngày qua lại cầu Mớp Văn (Mớp Giăng) nhưng mấy ai biết được tên do đâu mà có. Dọc theo kênh này, nhiều người vẫn “nằm lòng” địa danh Cản Dừa, tên một ấp của xã Vọng Thê trước đây. Theo ông Nguyễn Trung Thành (ngụ Thoại Sơn): “Không chỉ Cản Dừa, mà còn có Cản Đá là một hình thức chiến đấu đánh giặc Pháp, Mỹ theo chủ trương của Tỉnh ủy. Vào năm 1948, dân công xã Vọng Thê chặt hàng ngàn cây dừa, tràm và bứng hàng trăm bụi tre vận chuyển đến đắp cản kênh Mớp Văn, chặn đường hành quân của giặc. Nhờ biện pháp này, cùng Cản Đá ở các xã lân cận giúp ta mở rộng một vùng giải phóng rộng lớn”.
Đến thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), tên gọi này vẫn chưa được minh định, mỗi người “suy” mỗi kiểu. Đến nay, manh mối được xem vững chắc từ nguồn trong cuốn “Quốc sử tạp lục” của GS Nguyễn Thiệu Lâu, dạy pháp văn, sử, địa ở Trường Quốc học Huế. GS Lâu viết: “Vua khen ông Thụy, đặt tên sông là Thụy Hà; phía đông có núi Lạp cũng gọi Thụy Sơn”. Không chỉ địa danh núi Sập, tại chợ cùng tên vào năm 1948, mấy ai biết lại có tên chợ Tố Nữ. “Khi quân ta giết quan Pháp tên René, Pháp cho xây hàng rào bằng đá bao quanh chợ Núi Sập. Dù không cấm nhưng không thấy đàn ông, con trai, chỉ toàn phụ nữ đi chợ nên tên gọi Tố Nữ ra đời, tồn tại khá lâu” - anh Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thoại Sơn thông tin. Ở vùng đất này còn rất nhiều cái tên, dù đi vào dĩ vãng nhưng người dân vẫn còn nhớ, thậm chí thuộc lòng.
“Giải thích, tranh luận về nguồn gốc, tên gọi địa danh là đề tài thú vị cần có chứng cứ khoa học, cơ sở vững chắc. Việc ra đời địa danh xuất phát từ sự kiện, tên danh nhân, hoạt động xã hội… được dân gian “gọi chết danh” trở thành tên gọi chung, thậm chí võ đoán nên rất khó truy nguyên. Hội Khoa học lịch sử tỉnh đang sưu tầm, truy tìm nguồn gốc tên gọi, địa danh, dự kiến sẽ ra đời Địa danh An Giang phục vụ sự tìm hiểu của công chúng” - ThS Sử học Trần Văn Đông (Hội Khoa học lịch sử tỉnh) cho biết.
NGUYỄN RẠNG