Ngày 13-12, mạng di động 5G do Viettel cung cấp vừa đưa vào hoạt động tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, từ ngày hôm nay, người dân Đà Nẵng đã có thể trải nghiệm dịch vụ 5G hoàn toàn miễn phí và không giới hạn dung lượng.
Các khu vực được triển khai 5G tại Đà Nẵng gồm khu vực đường Bạch Đằng (đoạn từ khách sạn Novotel đến công viên APEC), Trung tâm Hành chính Thành phố Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, Thư viện khoa học tổng hợp, Chợ Hàn, Cầu Rồng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Mạng di động 5G vừa được khai trương và đi vào hoạt động tại Đà Nẵng.
Đây là mạng 5G thử nghiệm có sự hợp tác giữa Viettel và Samsung để tăng cường chất lượng mạng lưới và cho phép người dùng trải nghiệm đầy đủ các tiện ích của mạng 5G.
Anten 64T64R 5G Massive MIMO của Samsung được dùng trong quá trình thử nghiệm là công nghệ 5G hiện đại nhất hiện nay. Hệ thống này có khả năng truyền dẫn trong các khu vực đông dân cư và tắc nghẽn, giúp mở rộng độ phủ và tăng tốc độ dữ liệu để nâng cao trải nghiệm cho người dùng 5G.
Quá trình thử nghiệm thực tế tại Đà Nẵng cho thấy, tốc độ 5G đo được có thể lên tới 1.300 Mbps. Qua đo kiểm, tốc độ 5G trung bình tại đây đạt 500 Mbps, gấp 2,8 lần tốc độ 5G trung bình của thế giới (Theo công bố của Opensignal – đơn vị phân tích, đo kiểm chất lượng di động hàng đầu thế giới, tốc độ 5G trung bình của thế giới là 175,3 Mbps).
Tốc độ 5G thử nghiệm tại Đà Nẵng hiện được ghi nhận trung bình ở mức 500 Mbps.
Thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm trụ cột kinh tế số của cả nước. Địa phương này liên tục được Bộ Thông tin & Truyền thông xếp hạng đứng đầu các tỉnh/Thành phố về chuyển đổi số trong nhiều năm vừa qua.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng về chuyển đổi số cũng khẳng định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số là “động lực mới” trong phát triển thành phố.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đã được thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, hạ tầng này mới chỉ đáp ứng việc phục vụ duy trì, vận hành chính quyền điện tử, chưa mở rộng năng lực tính toán, lưu trữ để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh như trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn…
Tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn chia sẻ: “Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với nền kinh tế số là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên phát triển tại Thành phố Đà Nẵng.”.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 10%. Đáng chú ý khi Đà Nẵng mong muốn ít nhất 50% khu vực dân cư thành phố sẽ được phủ sóng dịch vụ 5G để hỗ trợ người dân kết nối, thụ hưởng các dịch vụ số chất lượng.
Theo TRỌNG ĐẠT (Vietnamnet)