Nữ nhà báo đầu tiên làm sách ảnh về Trường Sa
Nhà báo Mỹ Trà hiện công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam. Chị từng là tác giả đạt giải Ba, Giải thưởng toàn quốc năm 2014 về thông tin đối ngoại với loạt bài viết về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Năm 2016, 2017, chị đã 2 lần xung phong đi Trường Sa. Sau nhiều năm làm báo in, viết về chủ quyền biển đảo qua góc độ văn hóa, lịch sử và pháp lý, khi ra Trường Sa, chị quyết định cầm máy ảnh để chụp, chụp cho thỏa nỗi mong ước bấy lâu là được đặt chân đến mảnh đất địa đầu của Tổ quốc.
Nhà báo Mỹ Trà bên bức ảnh được chọn làm bìa cuốn sách “Trường Sa - Nơi ta đến”. Ảnh: Thanh Thuận
Nhà báo Mỹ Trà chia sẻ: “Sau những cơn say sóng đến “nghiêng trời lệch đất” thì tôi ngỡ ngàng và rồi tràn đầy cảm xúc trước vẻ đẹp của biển đảo quê hương qua những thời khắc quý giá mà mình được trải nghiệm tại Trường Sa. Tôi đã tranh thủ chụp nhiều, để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ ấy... Làm nghề báo, đã đi nhiều nơi, nhưng với chuyến “vượt sóng” ra Trường Sa, tôi biết mình đang bắt đầu một chuyến đi đáng nhớ nhất, ý nghĩa nhất trong đời”.
Sau những chuyến đi đó, được sự cổ vũ, động viên của bạn bè và đồng nghiệp, Mỹ Trà đã quyết định tổ chức triển lãm ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến” tại Hà Nội (9-2016), thành phố Hồ Chí Minh (10-2016 và Tết Đinh Dậu 2017), Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (3-2017), nhiều trường học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (2016 và 2017).
Qua những lần triển lãm ấy, nhà báo Mỹ Trà được đón nhận những tình cảm vô cùng trong sáng và sự quan tâm sâu sắc đến biển đảo, đến Trường Sa từ các bạn học sinh, sinh viên. Chị rất trân quý những tình cảm ấy. Vì thế, khi được Nhà xuất bản Kim Đồng đặt vấn đề làm sách ảnh, chị đã nhận lời với mong muốn có cuốn sách ảnh dành cho đối tượng này. Nhưng chị biết, quần đảo Trường Sa luôn là đề tài lớn cho các sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Đã có rất nhiều những bài thơ, bài hát, bức tranh, tiểu thuyết, phim truyện..., còn nhiếp ảnh thì nhiều vô kể. Nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã thực hiện những bộ ảnh về quần đảo này. Chưa kể những phóng viên kỳ cựu của quân đội và quốc gia, chỉ riêng ở Bộ Tư lệnh Hải quân cũng đã có rất nhiều phóng viên nổi tiếng, mà tên tuổi của họ đã được bạn đọc cả nước biết đến và yêu quý như: Đình Kính, Nguyễn Quang Vinh, Sĩ Thoại, Lê Hoài Nam... Vậy thì còn gì mới để chị làm sách?
Và sau 2 năm đắn đo để suy nghĩ, đầu năm 2018, cuốn sách ảnh về Trường Sa của chị cũng đã ra mắt bạn đọc yêu biển đảo. Mỹ Trà chọn cách tiếp cận với độc giả bằng trái tim như chị từng giãi bày: “ Tôi quyết định hướng đi cuốn sách rất đơn giản: Kể lại hành trình và cảm xúc của chính mình...”. Cuốn sách đã chắt chiu những khoảnh khắc, những kỷ niệm của nhà báo Mỹ Trà trong 2 lần đi Trường Sa với những cảm xúc chân thật về tinh thần lạc quan, niềm tin, sức sống mãnh liệt, sự hy sinh cao cả của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm bám biển, bám đảo, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người nổi tiếng với tập truyện ký “Đảo Chìm”, nhận xét: “Đẹp, phong phú và đa dạng, đấy là cảm giác đầu tiên của tôi. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi tác giả của tập sách ảnh lại là phóng viên nữ Mỹ Trà. Bởi nhìn góc chụp, tôi biết tác giả rất dũng cảm, cũng phải rất giỏi leo trèo. Ví dụ, chụp nhà giàn DK1 không thể đứng ở ca nô mà chụp được, phải leo trèo mới có góc chụp đẹp. Và ở đây sóng rất lớn, chỉ cần sảy chân một cái là xác cũng không tìm thấy chứ đừng nói là những khoảnh khắc đẹp. Tác giả đã rất dũng cảm”.
Cầu vồng trên biển Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thông điệp dịu dàng về tình yêu biển đảo
“Trường Sa - Nơi ta đến” của tác giả Mỹ Trà là cuốn sách ảnh song ngữ Việt - Anh, gồm 5 chương: Thao thức Trường Sa, Vẻ đẹp Trường Sa, Quê em Trường Sa, Nhà giàn DK1, Trường Sa - Nơi ta đến. Với 150 bức ảnh nghệ thuật, cuốn sách đã tái hiện vẻ đẹp nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Một Trường Sa đẹp, trong trẻo vời vợi. Một Trường Sa của san hô, gió lốc, cát nóng, biển mặn, có cả vị đắng của máu bao người, bao thế hệ đã đổ xuống để bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Có màu trắng - xanh của trời, của áo người lính biển; màu xanh cây phong ba, cây bàng vuông, hoặc đơn giản chỉ là một rặng mồng tơi, một cọng cỏ nhỏ nhoi.
Và nổi bật hơn hết, đằm sâu hơn hết, yêu thương vô hạn, ấy là gương mặt, ánh mắt, nụ cười, nước da sạm đen, rắn rỏi, cương nghị, hồn nhiên, là nỗi nhớ đất liền, là cảm xúc trào dâng mỗi khi nhớ về những người đã ngã xuống của những người giữ biển. Họ là bộ đội hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, nhà giàn DK1, ngư dân... và cả những công dân “nhí” của Trường Sa. Cuộc sống của trẻ em tại Trường Sa được tác giả đặc biệt chú ý. Các em đi học, đi chơi, cả trong những sinh hoạt đời thường... đều được nhà báo Mỹ Trà khắc họa qua những khuôn hình dung dị, những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của trẻ thơ đã giúp độc giả hiểu được phần nào cuộc sống của trẻ em - những chủ nhân tương lai của các đảo ở Trường Sa.
Cuốn sách cũng kể về những người từ đất liền, từ hải ngoại lặn lội, đau đáu, tha thiết đến Trường Sa. Những buổi lễ chào cờ Tổ quốc trên đảo chìm, đảo nổi. Một buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma với những tiếng nấc nghẹn ngào tri ân, tiếc thương các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để Trường Sa trường tồn. Những bàn tay siết chặt, những ánh mắt khắc khoải, những kỷ vật từ lòng biển, những bãi “Cọc Bạch Đằng”, những cột mốc chủ quyền, những dáng lính trầm lặng khi chiều đến dõi mắt về nơi dấu yêu...
Nhiều bức ảnh của Nguyễn Mỹ Trà đã vượt qua được sự phản ánh thông thường của một bức ảnh mang tính báo chí để đạt đến độ nghệ thuật. Chị cũng may mắn “chớp” được cả những khoảnh khắc vô cùng đặc biệt của thiên nhiên, như sắc cầu vồng hiện lên chỉ trong chớp mắt, một cơn giông hay cơn mưa chập chờn phía xa khơi...
Và còn rất nhiều những vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa chân thực của cảnh sắc Trường Sa, con người Trường Sa đã bừng lên trước ống kính đầy cảm xúc của Nguyễn Mỹ Trà. Cuốn sách “Trường Sa - Nơi ta đến” cũng chính là cách để Mỹ Trà mang Trường Sa đến gần hơn với người xem từng mong muốn mà chưa một lần được đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
Theo THANH THUẬN (Báo Biên Phòng)