Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn:

Quyết tâm tháo gỡ rào cản trong triển khai chính sách nhà ở xã hội

21/05/2025 - 19:22

Nhấn mạnh phát triển nhà ở xã hội là vấn đề quan trọng và cấp bách để giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội sẽ nỗ lực, tập trung tháo gỡ các rào cản pháp lý để hoàn thành mục tiêu xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội trong năm 2025, tiến tới 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Nỗ lực triển khai bằng được chính sách nhà ở xã hội

Ngày 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nhà ở xã hội là vấn đề được dư luận xã hội, nhân dân đặc biệt quan tâm. Việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là nhằm tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, trước khi bước vào thảo luận tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nói với ông rằng rất mong muốn nghị quyết này được Quốc hội thông qua sớm.

“Nếu được Quốc hội đồng thuận thì Nghị quyết này sẽ thông qua sớm để tạo điều kiện cho Chính phủ năm 2025 chỉ đạo triển khai ngay các dự án nhà ở xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Với chương trình đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp, công nhân giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ đã dành ra 120.000 tỷ đồng nhưng tiến độ giải ngân chậm.

Quyết tâm tháo gỡ rào cản trong triển khai chính sách nhà ở xã hội ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia phiên thảo luận tổ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Do chúng ta chưa chỉ đạo quyết liệt, thủ tục hành chính rườm rà. Muốn làm dự án nhà ở xã hội thì thủ tục hành chính kéo dài 2 năm. Chính vì thế, lần này dự thảo nghị quyết Chính phủ trình đơn giản hóa các thủ tục, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian thực hiện cơ chế này dự kiến tối đa là 75 ngày, tức là cắt giảm khoảng 200 ngày, giảm khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý có 3 chính sách mới trong dự thảo nghị quyết so với kết luận của cơ quan có thẩm quyền gồm: Xác định giá bán, giá thuê nhà ở xã hội; điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc khấu trừ nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình rõ các chính sách này để hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, qua thảo luận tại tổ, tại hội trường, nếu các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao thì dự thảo nghị quyết này có thể trình Quốc hội xem xét thông qua sớm hơn để tháo gỡ các khó khăn, trong năm 2025 bảo đảm triển khai ngay các dự án nhà ở xã hội.

“Các vấn đề thủ tục, tài chính, đất đai, vốn ưu đãi… cần được triển khai đồng bộ với thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Quyết tâm tháo gỡ rào cản trong triển khai chính sách nhà ở xã hội ảnh 4

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đời sống nhân dân ở một số nơi hiện nay cũng còn nhiều vấn đề. Người dân chưa được an cư thì làm sao lập nghiệp được, nhất là đối tượng công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.

Nếu được thực hiện hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, các chính sách trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội trong năm 2025, tiến tới 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và phát triển kinh tế.

Ông đề nghị rà soát các quy định liên quan trong các luật để khắc phục tình trạng từ năm 2021 đến nay có 657 dự án nhà ở xã hội nhưng mới hoàn thành được số ít. Đồng thời, trong triển khai nghị quyết phải có giải pháp tránh tham nhũng, thất thoát nguồn lực Nhà nước và phải bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội.

“Giải quyết được nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là hết sức quan trọng. Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương về vấn đề này nhưng khâu triển khai rất chậm. Một số cơ chế thí điểm lần này là để Quốc hội tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai cho bằng được. Việc gì khó mà chúng ta nỗ lực tập trung thì đều thành công”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bảo vệ người mua, tạo sự minh bạch và công bằng trong đầu tư nhà ở xã hội

Quyết tâm tháo gỡ rào cản trong triển khai chính sách nhà ở xã hội ảnh 5

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu tại tổ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đánh giá, việc xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội quy định tại Điều 8 dự thảo nghị quyết là một nội dung then chốt, tác động trực tiếp đến khả năng thu hút nhà đầu tư cũng như tính minh bạch và hiệu quả của chính sách nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định tại khoản 3 Điều 8 yêu cầu sau khi công trình hoàn thành và được nghiệm thu, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Trường hợp giá bán, giá thuê mua sau quyết toán thấp hơn so với mức giá đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư bắt buộc phải hoàn trả phần chênh lệch cho người mua.

Ngược lại, nếu giá sau quyết toán cao hơn, chủ đầu tư không được thu thêm phần chênh lệch. Cơ chế này được xây dựng nhằm bảo vệ người mua nhà ở xã hội, song về mặt tài chính, đây là một quy định bất cân xứng và tiềm ẩn rủi ro lớn cho chủ đầu tư, vì họ phải xác định giá bán từ trước khi hoàn tất công trình, trong khi các yếu tố đầu vào như giá vật liệu, nhân công, lãi vay… thường xuyên biến động.

Việc ấn định cứng trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch mà không cho phép điều chỉnh trong biên độ hợp lý là một rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó tiên lượng lợi nhuận, không dám đầu tư hoặc phải tính biên phòng rủi ro cao, dẫn tới tăng giá khởi điểm, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu Nguyễn Như So đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 8 theo hướng: Cho phép chủ đầu tư xác định giá bán tạm thời (giá tạm tính) theo hồ sơ dự toán đã được thẩm định, ký hợp đồng với người mua trên cơ sở giá này kèm theo điều khoản điều chỉnh sau kiểm toán nếu có chênh lệch vượt ngưỡng 5%.

Đồng thời, chỉ yêu cầu hoàn trả phần chênh lệch trong giới hạn vượt biên độ cho phép, còn trong phạm vi biên độ ±5% thì không truy thu để giảm thiểu rủi ro hành chính. Theo đại biểu, cách làm này vừa bảo vệ người mua, vừa tạo ra sự minh bạch và công bằng về mặt tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư vào nhà ở xã hội.

Cũng liên quan xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, vẫn còn những điểm chưa phù hợp, còn mâu thuẫn và có thể khó triển khai trong thực tế.

Theo đại biểu, quy định trong dự thảo đặt toàn bộ quyền xác định giá vào tay chủ đầu tư nhưng lại không kèm theo nghĩa vụ kiểm soát công khai, minh bạch. Giá bán, giá thuê mua không cần trình bất kỳ cơ quan nhà nước nào trước khi đưa ra thị trường, không có bảng giá chuẩn, không có hệ thống đối chiếu, và người dân hoàn toàn bị động.

Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội phần lớn đều được hưởng những ưu đãi rất lớn về đất đai, tài chính, thuế, hạ tầng… Do đó, việc xác định giá bán, giá thuê mua phải gắn liền với trách nhiệm giải trình rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát nhất định từ phía nhà nước.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Điều 8 theo hướng phân loại dự án để áp dụng cơ chế định giá phù hợp; bổ sung nghĩa vụ công khai cơ cấu giá theo hướng chủ đầu tư phải niêm yết giá bán, giá thuê mua, kèm theo bảng chi tiết các chi phí cấu thành, lợi nhuận định mức, ưu đãi được hưởng, để người dân và cơ quan chức năng cùng giám sát.

"Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần xây dựng bảng giá chuẩn, làm cơ sở đối chiếu với giá mà chủ đầu tư đề xuất; quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm hoàn trả chênh lệch giá sau kiểm toán; ứng dụng công nghệ số để giám sát định giá", đại biểu nhấn mạnh.

Theo TRUNG HƯNG (Nhân dân)