Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM), bệnh nhi là bé gái T.C.R, 8 tháng tuổi, người Campuchia.
Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt cao liên tục 4 ngày, ho, sổ mũi. Đến ngày thứ 5, trẻ ói nhiều lần ra dịch lợn cợn nâu, nổi chấm xuất huyết. Người nhà đưa em đến bệnh viện địa phương trong tình trạng lừ đừ, quấy khóc, chấm xuất huyết ở chân tay và bụng.
Kết quả các xét nghiệm cho thấy test nhanh NS1 kháng nguyên dương tính, dung tích hồng cầu giảm, tiểu cầu 25.000/mm3 (bình thường là 200.000-300.000/mm3), men gan tăng 500 đv/L (bình thường chỉ số này dưới 40 đv/L).
Bé gái 8 tháng tuổi sốc sốt xuất huyết nặng. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc sốt xuất huyết nặng và tiến hành chống sốc tích cực, truyền dung dịch cao phân tử, truyền máu và chuyển đến TP.HCM.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), bé gái tiếp tục được điều trị chống sốc, truyền máu, điều trị hỗ trợ gan. Đến nay, tình trạng huyết động và tổn thương gan của trẻ đã cải thiện. Bệnh nhi tỉnh táo, bú khá.
Một trường hợp khác nguy kịch vì sốc sốt xuất huyết là bé trai 4 tháng tuổi ngụ ở Phú Yên. Trẻ bị sốt cao liên tục 3 ngày, tiêu chảy 5-6 lần, nổi hồng ban ở tay chân. Ở phòng khám tư, bé được chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng, tay chân miệng. Đến ngày thứ 5, người nhà đưa bé đến bệnh viện địa phương.
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, bệnh tay chân miệng. Sau khi điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch chống sốc, em được chuyển đến TP.HCM.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé trai bị sốc sốt xuất huyết, rối loạn đông máu. Kết quả test nhanh NS1 kháng nguyên dương tính, dung tích hồng cầu tăng, tiểu cầu 6.000/mm3, men gan tăng 300 đv/L. Hiện trẻ tiếp tục được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.
Bác sĩ Tiến cảnh báo, sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi) với các triệu chứng không điển hình như: sốt nhẹ hoặc vừa, không liên tục, kèm theo ho, sổ mũi, hắt hơi, tiêu chảy, nôn ói… Nhiều trường hợp đã gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tay chân miệng…
Vì thế, phụ huynh cần theo dõi sát triệu chứng và đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám, điều trị thích hợp.
Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận trên 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng nguy cơ dịch có thể bùng phát khi các tỉnh thành phía Nam bắt đầu vào mùa mưa. Đây là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển.
Bộ Y tế đã lên quyết định lập 7 đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm như: TPHCM, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An...
Theo Vietnamnet