Mở cửa ngành du lịch phải đi vào thực chất và đồng bộ

07/12/2021 - 18:56

Theo các chuyên gia du lịch, hiện nay các tỉnh, thành phố đã rất chủ động xây dựng chương trình phục hồi du lịch, tuy nhiên cần phải đi vào thực chất, chứ không thể nay mở mai đóng.

Ngày 7-12, Báo Thanh Niên đã tổ chức tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" để tìm ra giải pháp khôi phục ngành du lịch.

"Lò xo" ngành du lịch đã bị liệt

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, ngành du lịch hiện nay như người bệnh nặng, nếu uống thuốc trễ, thì dù tốn tiền nhưng cũng vô dụng. Cũng giống như những chiếc lò xo đã bị liệt, dù có buông, không đè cũng không thể phục hồi nổi.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm du lịch miệt vườn tại các tỉnh miền Tây.

Theo chuyên gia Trần Du Lịch, các doanh nghiệp du lịch hiện đang chia làm 3 loại: Thứ nhất là các doanh nghiệp ngưng hoạt động nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường - nhóm này khi mở cửa có thể phục hồi tự nhiên. Thứ hai là nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, mất 1 phần thị trường, nhưng nếu được bơm tín dụng ưu đãi, có thể phục hồi được. Thứ ba là nhóm đã quá kiệt quệ, không còn đủ điều kiện để đi vay nữa. Trong 3 nhóm này, ngành du lịch phần lớn ở nhóm 2 và nhóm 3, chỉ có số ít ở nhóm 1 nên khả năng tự phục hồi gần như không thể.

"Hiện ngành công nghiệp du lịch liên quan tới rất nhiều ngành nghề khác nhau. Trong 3 lĩnh vực lưu trú, lữ hành và vận tải thì lưu trú phát triển rất mạnh, tổng vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, hàng loạt chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ không thể vực dậy vì du lịch bất động, họ chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nếu họ "chết", ngân hàng có yên? Nói vậy để thấy, hệ lụy từ việc chậm trễ hồi phục du lịch là rất lớn. Vì thế, chúng ta không thể chần chừ thêm việc mở cửa du lịch trong thời gian tới. Để khôi phục nền kinh tế của Việt Nam, hiện các tỉnh, thành phố đã rất chủ động xây dựng chương trình phục hồi du lịch và mong muốn được kết hợp với các tỉnh, thành khác để mở cửa. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố mong muốn khi mở cửa ngành du lịch phải đi vào thực chất, không thể nay mở và ngày mai lại đóng", chuyên gia Trần Du Lịch nói.

Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Mặc dù ngành du lịch đã bắt đầu thực hiện một số tour vùng xanh nhưng vẫn không ít du khách có tâm lý ngần ngại, không dám đi do lo sợ dịch bệnh. Thậm chí, ngay cả những người làm du lịch cũng có tâm lý e dè khi nhiều khu du lịch vẫn chưa mở cửa trở lại. Khó khăn nữa là Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành, nhưng vẫn còn nhiều địa phương có quy định khác nhau, ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tour - tuyến của công ty du lịch. Hay quy trình xử lý ca F0 cũng khác nhau khiến công ty lữ hành không tự tin khi tổ chức tour do ảnh hưởng khách, làm mất niềm tin của khách hàng vì không đúng như cam kết.

Các tỉnh, thành phố muốn mở cửa ngành du lịch để khôi phục kinh tế. 

Là đơn vị chuyên đón khách quốc tế đến Việt Nam, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho biết, việc mở cửa du lịch hiện nay còn gặp nhiều rào cản do chưa được quan tâm đúng mức về đầu tư ngân sách truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường quốc tế. Đây là vấn đề thực sự đáng lo, bởi nếu không kịp thời nắm bắt cơ hội, Việt Nam sẽ lại mất thị trường du lịch do các nước khác cạnh tranh thị phần.

"Mặt khác, chúng ta đang sống trong hoàn cảnh có dịch bệnh nhưng các phần mềm khai báo y tế vẫn chưa có sự thống nhất chung, phần mềm nhập cảnh chưa ưu việt hóa. Mặc dù Chính phủ đã xác nhận thống nhất dùng PC-Covid nhưng thực tế, Phú Quốc hiện dùng Vietnam Safe travel, Đà Nẵng dùng Zalo 1022, Quảng Nam dùng VNEID... Nhiều du khách khi đến Việt Nam phải tìm hiểu và tải rất nhiều phần mềm nếu muốn đi du lịch, điều này gây ra sự không thoải mái cho du khách", bà Trần Nguyện nói. 

Mong muốn đón khách quốc tế sớm

Theo ông Trần Du Lịch, chúng ta muốn mở cửa ngành du lịch, trước mắt cần xem lại thực chất các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn, sống chung với COVID-19 hay không. Theo đó, chúng ta không chủ quan nhưng không sợ hãi, cần nhất quán thay đổi chủ trương chống dịch xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng, cần ưu tiên phục hồi ngành du lịch trước. Đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm 2, cần phải hỗ trợ ngay bằng các chính sách tài chính, tín dụng. Nếu những gói này làm chậm, khi doanh nghiệp "liệt" rồi thì dù có bơm tiền cũng không thể vực lại được. Song song đó, các doanh nghiệp ở nhóm 3 cần có giải pháp tài chính mang tính tín chấp, hỗ trợ để đứng lên sau mùa dịch. 

Còn theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, muốn mở cửa du lịch, trước hết cần loại bỏ tâm lý e ngại khi đi du lịch. Theo đó, cần đẩy mạnh thêm hoạt động truyền thông, lan tỏa chính sách tổ chức an toàn hơn nữa để tạo tâm ý an tâm hơn cho khách hàng. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ thành công rất nhiều tour du lịch theo hình thức bong bóng khép kín và tour đi về các "vùng xanh", nhờ vậy lượng khách hàng cũng đang dần trở lại với các công ty du lịch. Đối với thị trường quốc tế, cần thí điểm rộng rãi việc đón khách quốc tế bằng thẻ xanh COVID-19 (hộ chiếu vaccine). Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang hội đủ điều kiện cần thiết để đón du khách. Đó là người dân (18 tuổi trở lên) đã được tiêm vaccine mũi 1 đạt tỷ lệ gần 100%, mũi 2 đạt tỷ lệ trên 90%. Đặc biệt, hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng nhân lực, vật lực, trang thiết bị vật tư y tế và có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19. Số ca tử vong và chuyển nặng trên địa bàn đã giảm mạnh, hệ thống y tế không còn quá tải.

Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm vaccine cao mong muốn mở lại các đường bay quốc tế để đón khách trở lại. 

"Đối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, tất cả người lao động tham gia trực tiếp vào quy trình đón, phục vụ du khách được tiêm đủ liều vaccine; thực hiện thông điệp “5K” trong quá trình làm việc; thiết lập đường dây nóng, bố trí cán bộ, người lao động làm đầu mối thông tin hỗ trợ khách; tập huấn an toàn, hướng dẫn khách xét nghiệm nhanh, lưu giữ kết quả…", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã rất chủ động xây dựng chương trình phục hồi du lịch và được Tổng cục Du lịch cũng như các địa phương đánh giá cao. Các tỉnh, thành khác cũng rất muốn được kết hợp với thành phố, sẵn sàng kết nối, duy trì lại các hoạt động của ngành tại những điểm đến an toàn theo cung đường an toàn.

Giữa tháng 11, sau khi Chính phủ cho phép các địa phương đón khách quốc tế, TP Hồ Chí Minh đã mạnh đạn đề xuất được đón khách quốc tế từ ngày 1/12. Bởi, TP Hồ Chí Minh không chỉ là điểm du lịch mà còn là trung tâm thương mại, giao thương quốc tế. Vì thế, khách đến thành phố không chỉ thuần túy đi du lịch, nghỉ dưỡng mà còn rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội khác. 

"Nếu đề án sớm được triển khai, làm tốt được các điểm du lịch, kết nối liên tỉnh cùng các địa phương thì rất nhiều ngành dịch vụ khác cũng sẽ vực dậy nhanh chóng, cùng đóng góp rất nhiều vào quá trình phục hồi kinh tế sau dịch của Thành phố. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ sớm giải quyết kiến nghị của Thành phố để mở cửa ngành du lịch sớm", bà Phan Thị Thắng nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên, hiện đường bay quốc tế chưa mở nên lượng khách đến Việt Nam rất hạn chế. Chưa kể, nhiều địa phương vẫn ra các quy định riêng về cách ly, phòng dịch... khiến các doanh nghiệp du lịch tiến thoái lưỡng nan. Nhìn sang Thái Lan cho thấy, năm 2021, dự kiến GDP của Thái Lan tăng trưởng 1,2%, cao hơn nhiều so với các dự đoán trước đó nhờ mở cửa trở lại ngành du lịch. Vì thế, việc mở cửa lại bay quốc tế và du lịch tại Việt Nam không thể chậm trễ thêm nữa, nếu không sẽ để lỡ cơ hội cạnh tranh điểm đến với các nước trong khu vực và ảnh hưởng tới chương trình phục hồi kinh tế mà Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện bằng nhiều giải pháp

Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin Tức)