Lý giải về lý do hình thành mô hình, Bí thư Xã đoàn An Phú Lê Trung Lĩnh thông tin: “Theo phát động của Tỉnh đoàn, chúng tôi đã thực hiện mô hình “Khu dân cư không có thanh niên mắc TNXH”. Bởi, An Phú là xã giáp biên với Campuchia nên tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, vì thế, mô hình ra đời nhằm phát huy tinh thần xung kích, không ngại khó, không ngại khổ của đoàn viên, thanh niên trong việc mang lại sự bình yên cho cuộc sống người dân. Hiện nay, mô hình đang được triển khai tại ấp Phú Nhứt, tập trung tại Khu dân cư hậu Tỉnh lộ 955A”.
Theo đó, Xã đoàn An Phú đã phối hợp Công an xã thành lập tổ tuyên truyền với 7 thành viên là những đoàn viên tích cực của chi đoàn công an và xã đội. Biện pháp thực hiện chủ yếu là tuyên truyền đến thanh, thiếu niên tại các khu dân cư hướng đến lối sống lành mạnh, tránh xa TNXH. Từng thành viên sẽ là tuyên truyền viên hiệu quả nhất nơi mình sinh sống, nhất là về các nghị định, văn bản có liên quan về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, ma túy, đá gà, đánh bài... Đồng thời, cảm hóa, giúp đỡ thanh, thiếu niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng, phát huy hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Ra mắt mô hình khu dân cư không thanh niên mắc tệ nạn xã hội
“Với đối tượng chủ yếu là các thanh, thiếu niên chậm tiến, chúng tôi sẽ tiếp cận tuyên truyền cho họ về việc chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Để đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền, chúng tôi yêu cầu gia đình của những thanh niên này làm cam kết không để họ vi phạm TNXH, nhờ đó mô hình đã phát huy hiệu quả bước đầu. Nếu được sự quan tâm, động viên từ nhiều phía sẽ góp phần làm thay đổi suy nghĩ của những thanh niên này” - ông Lê Trung Lĩnh cho hay.
Hiện nay, Khu dân cư hậu Tỉnh lộ 955A có khoảng 20 thanh niên thường xuyên tụ tập gây mất trật tự công cộng. Được sự vận động, kêu gọi của tổ tuyên truyền, các đối tượng này dần nâng cao nhận thức, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Phó Trưởng Công an xã An Phú Nguyễn Hữu Phúc nhận định: “Với các đối tượng là thanh, thiếu niên thường tham gia TNXH thì biện pháp tuyên truyền đã mang đến những kết quả nhất định. Việc làm thay đổi nhận thức của họ sẽ có kết quả lâu dài, căn bản hơn hành động trấn áp, răn đe tạm thời. Do đó, khi Xã đoàn đề xuất mô hình này, chúng tôi đã bố trí các đồng chí công an xã cùng tham gia nhằm mang lại hiệu quả cao nhất”.
Hiện nay, các thành viên trong tổ tuyên truyền thực hiện mô hình được hỗ trợ tiền xăng trong hoạt động từ nguồn vận động của Xã đoàn An Phú. Đây là sự động viên để các thành viên của tổ tuyên truyền nỗ lực thực nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, cần có nguồn hỗ trợ tốt hơn để các thành viên có thêm điều kiện phấn đấu vận động nhiều thanh, thiếu niên địa phương không tham gia TNXH. “Mô hình đã nhận được đánh giá tích cực của Huyện đoàn Tịnh Biên và Tỉnh đoàn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai mở rộng ra các ấp khác khi có điều kiện thuận lợi. Mong rằng, mô hình sẽ nhận được sự hỗ trợ về mặt kinh phí để chúng tôi tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới” - ông Lê Trung Lĩnh đề xuất.
THANH TIẾN