Mô hình xuồng, ghe “mi-ni”

12/12/2022 - 07:09

 - Nặng lòng với nghề đóng xuồng ghe, anh Phạm Văn Mỏng (Chín Mỏng, ngụ khóm Tây Huề 1, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã nảy ra ý định “thu nhỏ” những chiếc ghe, xuồng, tàu, thuyền… để phục vụ nhu cầu trưng bày, trang trí của người dân. Sản phẩm được chế tác tinh xảo, chân thực, đa dạng kích thước đang được thị trường đón nhận.

Sản phẩm của anh Mỏng khá đa dạng, được khách hàng gần xa ưa chuộng.

Giữ lửa nghề truyền thống

Có dịp đi trên Tỉnh lộ 943 (hướng TP. Long Xuyên - huyện Thoại Sơn), đoạn gần cầu Rạch Rích, chúng tôi bị cuốn hút bởi những chiếc xuồng, ghe, tàu đánh cá mi-ni được trưng bày trước một căn nhà nhỏ. Chủ nhân của những chiếc ghe, xuồng nhỏ này là anh Phạm Văn Mỏng, người có nhiều năm kinh nghiệm đóng xuồng tại địa phương. Tham quan cơ sở, chúng tôi vô cùng thích thú bởi không gian đầy ắp những chiếc xuồng, thuyền… mi-ni với những chi tiết tỉ mỉ.

Nghỉ tay tiếp khách, anh Mỏng cho biết, đã gắn bó với nghề đóng xuồng 30 năm nay. Trước đây, nghề này rất hưng thịnh tại địa phương. Đặc điểm rất riêng của làng nghề là phụ thuộc theo nước lũ hàng năm. Năm nào lũ dâng cao, về sớm, rút muộn thì năm đó làng nghề rôm rả suốt đêm ngày.

Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển của xã hội và tiến bộ kỹ thuật, nghề đóng xuồng dần trở nên vắng bóng, xuồng gỗ được thay bằng xuồng Composite vừa rẻ, vừa gọn nhẹ lại an toàn, lâu bền. Bên cạnh, hầu hết các địa phương đều có hệ thống đê bao ngăn lũ hoàn chỉnh, việc đánh bắt, di chuyển vào mùa nước nổi không còn phát triển như trước, nhu cầu đi lại bằng xuồng của người dân giảm mạnh. Những chiếc xuồng gỗ được cơ sở Chín Mỏng đóng ngày càng ít dần.

Trước những khó khăn chung, anh Mỏng mong muốn tìm hướng đi khác để cải thiện thu nhập, vừa giữ “lửa” cho nghề. Trong một dịp tình cờ, thấy những miếng gỗ vụn chất đầy nhà, anh Mỏng nảy sinh ý tưởng đóng những chiếc xuồng mi-ni để phục vụ nhu cầu trưng bày, trang trí.

Anh Mỏng chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ làm chiếc xuồng nhỏ để mấy đứa nhỏ trong gia đình chơi, rồi chụp hình, lưu lại những hình ảnh đó trên mạng xã hội. Nhiều người thấy sản phẩm độc đáo nên nhắn tin, đặt hàng. Thấy sản phẩm được ưa thích, tôi bắt đầu chuyển sang làm những chiếc ghe, tàu, xuồng… thu nhỏ cho đến ngày nay”.

Những sản phẩm đầu tay của anh Mỏng còn thô sơ, chưa bắt mắt. Không nản chí, anh Mỏng tiếp tục cải tiến mẫu mã, kiểu dáng. Nhờ cần cù, chịu khó, anh Mỏng làm ra những chiếc xuồng nhỏ, gọn, bắt mắt để dùng làm quà lưu niệm hay trưng bày, trang trí trong gia đình.

Phục vụ nhu cầu trang trí

Để tạo những chiếc xuồng, ghe mi-ni đạt đến mức tinh xảo, anh Mỏng phải suy nghĩ cách chọn lựa loại gỗ, đồng thời tỉ mỉ, cẩn thận trong từng đường cưa, nét mực. Anh Mỏng cho biết, để làm ra chiếc xuồng mi-ni thì các công đoạn thực hiện cũng giống như làm 1 chiếc xuồng loại lớn. Cái khó ở đây chính là việc “thu nhỏ” từng loại chi tiết đạt tỷ lệ phù hợp. Bên cạnh đó, các công đoạn, như: Cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, uốn be, vô vỏ, ráp cong, dằn, chà nhám rồi sơn dầu... đều phải cẩn thận, chính xác từng chút một.  

Khởi đầu là chiếc xuồng ba lá, dần dần, anh Mỏng nghiên cứu, phát triển thêm những chiếc tắc ráng, tàu biển, thuyền buồm, xuồng năm quăng, tàu hải quân… thu nhỏ với nhiều chi tiết tinh xảo, mềm mại và sắc nét. Tùy theo kích cỡ và độ chi tiết, những sản phẩm này được bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến khoảng 2,5 triệu đồng.

Anh Mỏng chia sẻ: “Lúc mới làm, 1 sản phẩm mất mấy ngày mới hoàn thành. Dần dần, khi đã quen tay nên đóng được nhiều sản phẩm hơn, các chi tiết từ đó mà tinh xảo hơn, khoảng 2 ngày là có 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Tôi đoán chừng mà làm, không đo đạc nên kích thước thường không cố định”.

Cũng theo anh Mỏng, dù sản phẩm tiêu thụ không ổn định, có lúc tiêu thụ khá nhiều, khoảng 10 sản phẩm, cũng có thời điểm cả tháng không bán được sản phẩm nào… Tuy nhiên, nghề này không phụ người có lòng khi giúp gia đình anh có được cuộc sống ổn định trong khoảng 10 năm qua. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều người mua về trang trí trong nhà.

Nếu như trước đây, những chiếc xuồng, ghe, tắc ráng của cơ sở Chín Mỏng chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trên sông thì hiện nay, nhờ “thu nhỏ” mà những sản phẩm trên được “lên bờ” để làm vật dụng trang trí. Xuồng, ghe mi-ni được khách hàng dùng thay cho các chậu cắm hoa, trưng bày tại các công trình đường hoa, công ty, gia đình… vào dịp ngày lễ, Tết. Hơn hết, việc phát triển sản phẩm này đã góp phần giữ gìn nghề đóng ghe xuồng truyền thống của gia đình anh, cũng như níu giữ một nghề đã từng phát triển tại địa phương.    

ĐỨC TOÀN