Đong đưa hương bánh theo về,
Chút hương dân dã vẫn mê mẩn lòng.
Bánh từ gạo nếp ruộng đồng,
Vỏ ngoài dẻo ngọt, nhân trong béo bùi.
Mấy câu thơ trên gợi nhớ đến món bánh dân dã - bánh ít. Bánh ít từ lâu đã trở thành món bánh quen thuộc, góp mặt trong dịp giỗ, tết của những gia đình ở miền Tây. Bánh thường được làm từ gạo nếp, nguyên liệu phổ biến và gần gũi kết hợp nhiều loại nhân khác nhau như nhân đậu, nhân dừa,... Quá trình chuẩn bị lá chuối để gói bánh, nhào bột, làm nhân bánh,... thể hiện sự khéo léo và tinh tế của người làm. Bánh ít không chỉ đơn thuần là một món bánh mà còn mang cả hồn quê.
Bánh ít chuẩn bị đem đi hấp chín
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bánh công nghiệp với mẫu mã đa dạng, hấp dẫn nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Vì lẽ đó, việc lưu giữ hương vị bánh quê như bánh ít, bánh tét,... cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Huỳnh Thị Hiền (61 tuổi, TP.Tân An), một trong những người làm bánh ít lâu năm, cho biết: “Từ năm 10 tuổi, tôi đã phụ mẹ làm bánh để bán nên dần dần gắn bó luôn với nghề gói bánh ít.
Làm bánh đòi hỏi sự khéo léo từ khâu nhào bột, xào nhân đến gói rồi hấp bánh. Giá bánh ít hiện nay dao động 6.000 đồng/cái đối với các loại nhân truyền thống và khoảng 7.000 đồng/cái đối với nhân sầu riêng. Vì bánh nhà tôi là bánh gia truyền, mang hương vị riêng nên được nhiều khách quen chọn mua trong dịp lễ, tết, giỗ chạp. Nhờ vậy mà gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định từ nghề gói bánh ít”.
Những chiếc bánh ít được gói khéo léo
Với bàn tay khéo léo và tình yêu dành cho những loại bánh quê, không chỉ bà Huỳnh Thị Hiền mà còn có nhiều người đang góp phần “giữ hồn” cho những món bánh dân dã. Chính điều này đã tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực Việt Nam.
Theo Báo Long An