Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trong nước, phong trào cách mạng sôi sục, dâng cao ở nhiều nơi. Nắm bắt tình thế, ngày 12/ 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhận định: "Mặc dù tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi".
Đồng thời đưa ra "3 cơ hội tốt": Chính trị khủng hoảng, quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng; nạn đói ghê gớm, quần chúng căm thù giặc; chiến tranh đến giai đoạn cuối, Đồng minh sẽ vào Đông Dương đánh đuổi Nhật.
Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”, quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Có 3 nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi: Tập trung, thống nhất, kịp thời.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu… Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Biên Hòa, Tây Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre… Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội
Trong 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trước hàng triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn (Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ) cảm kích: “Dưới cảnh trời lộng mây, làn sóng triệu triệu người cuồn cuộn chảy vào đô thị. Chiến tranh vừa kết thúc. Nhân loại thở một hồi dài. Người nô lệ đi ra đường. Cỏ cây đất nước được giải phóng. Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của Nhân dân, làm bằng máu thịt của Nhân dân, anh hùng là Nhân dân. Ấy là Cách mạng Tháng Tám!”.
Hơn 80 năm nô lệ, biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước “nằm gai, nếm mật”, đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Những bước chân, máu và nước mắt của các vị anh hùng từ vua Hàm Nghi, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Trung Trực… đã thấm đẫm mảnh đất Việt Nam.
Nhiều cái chết oanh liệt của anh hùng khởi nghĩa Yên Bái, nhiều cái chết hiên ngang, bất khuất của người cộng sản tại Ngã ba Giồng (Hóc Môn)… đã thức tỉnh và lay động tâm can từng người con đất Việt. Đặc biệt, đã có quá nhiều khổ đau, mất mát chất chồng, nhất là cái chết của hơn 2 triệu người trong nạn đói năm 1945, làm cho nỗi hờn căm, oán hận chất chứa trong mỗi người Việt, chỉ chờ có dịp để bùng lên.
Cách mạng Tháng Tám vĩ đại là kết quả, kết tinh của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, được nuôi dưỡng, hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Tinh thần yêu nước, đại đoàn kết luôn chảy trong máu, trong tim mỗi người Việt Nam yêu nước của cha ông ngàn đời truyền lại. Tinh thần bất diệt này được thể hiện rõ nhất trong những ngày tháng Tám lịch sử.
Thức thời thoái vị để tránh cảnh nồi da xáo thịt, vua Bảo Đại đã tuyên bố: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”. Tầng tầng lớp lớp quan lại của triều đình, nhân sĩ trí thức nổi tiếng, đại điền chủ cho đến mỗi người dân bình thường đều tham gia không khí sục sôi của cách mạng; xem đó là công việc có ích, là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Không đòi hỏi tờ giấy xác nhận, chứng minh, nhiều gia đình giàu có đã ủng hộ tiền của cho cách mạng, vì họ nghĩ giao cho Việt Minh là tin tưởng, việc gửi gắm của mình được dùng đúng nơi, đúng chỗ. Lòng yêu nước của người dân trong cái “buổi đầu dân quốc ấy đẹp tinh khôi, sáng trong như ngọc”.
Tất cả đều thấy rõ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng những nhà lãnh đạo của Việt Minh thật sự trở thành ngọn cờ, hình mẫu tiêu biểu mà quốc dân nhìn vào đó để tin tưởng, phó thác và đi theo.
Vào thời kỳ đổi mới, đất nước đứng trước những thuận lợi, thời cơ, nhưng đồng thời cũng không ít khó khăn, thách thức. Bài học về nắm bắt thời cơ và vận dụng sáng tạo thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn không ngừng được phát huy, tỏa sáng, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để Nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám là dịp để chúng ta nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay, góp phần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu nước ta sớm trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN như mục tiêu Nghị quyết của Đảng đề ra.
N.R (Tổng hợp)