Mối đe dọa cấp bách với người điều trị ung thư trong bệnh viện

14/09/2024 - 19:43

Nhiễm khuẩn bệnh viện gây mất an toàn cho bệnh nhân, kéo dài thời gian và tăng các chi phí điều trị.

Ngày 14/9, tại Hội nghị khoa học lần thứ 2 Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Phó giáo sư Lê Thị Anh Thư (Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam), cho biết thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn đối với các cơ sở y tế rất quan trọng, giúp ngăn ngừa “dịch bệnh bệnh viện”.

Những khu vực có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như hồi sức cấp cứu, sơ sinh, ngoại khoa... Nếu phòng mổ không an toàn, dụng cụ không tiệt khuẩn, bệnh nhân có thể nhiễm trùng vết mổ.

Tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, nhiễm khuẩn có thể khiến tình trạng người bệnh nặng nề hơn, nguy cơ tử vong cao. Thực tế, nhiều trường hợp vào viện vì các bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, tắc nghẽn phổi mạn tính, tim mạch, ung thư nhưng tử vong do nhiễm vi khuẩn trong bệnh viện.

Theo báo cáo của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nhiễm khuẩn bệnh viện là nguyên nhân tử vong thứ 2 cho bệnh nhân ung thư. Kháng kháng sinh đang là mối đe dọa cấp bách với sự thành công của các liệu pháp điều trị ung thư.

Một nghiên cứu của cơ sở y tế này với trên 7.000 mẫu vi sinh từ năm 2017 đến năm 2021 cho thấy, tỷ lệ cấy vi sinh dương tính là 48,1%, nhiễm khuẩn da, mô mềm, vết mổ lên tới 67,5%, nhiễm khuẩn hô hấp là 18%, 2 vi khuẩn gram âm là E.coli và klebsiella sp thường gặp nhất trong bệnh viện, tỷ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc được phân lập tăng hằng năm, xu hướng sử dụng kháng sinh trong bệnh viện nhiều lên.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), cho biết nếu nhiễm khuẩn bệnh viện không thực hiện đúng, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện vô cùng nguy hiểm. Theo thống kê, 15% trẻ sơ sinh có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Nhiều trẻ sau sinh hoàn toàn khỏe mạnh nhưng chỉ 1 ngày sau, trẻ đã phải thở oxy hoặc máy do nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra. 

Tại cơ sở y tế này, ban lãnh đạo đã đầu tư ưu tiên phát triển mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Mặc dù sau đại dịch Covid-19, công tác mua sắm, đầu thầu vật tư y tế khó khăn nhưng bệnh viện vẫn đảm bảo đủ vật tư, hóa chất cho lĩnh vực này. Từ đó, tỷ lệ trẻ nhiễm khuẩn sơ sinh giảm chỉ còn 1-2%. 

Bác sĩ Hằng cho rằng các cơ sở y tế không nên coi kiểm soát nhiễm khuẩn y tế là nơi thuyên chuyển cán bộ khi bị kỷ luật; cần ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng, có sáng kiến và yêu nghề. Nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn chính là tấm lá chắn các dịch bệnh. 

Tại Việt Nam, ngành y tế đã chứng kiến nhiều vụ việc nhiễm khuẩn bệnh viện hàng loạt. Năm 2013, tại Bệnh viện H.G, 92 bệnh nhân được mổ nội soi trong vòng 2 tháng. Bệnh nhân khỏe mạnh ra viện nhưng 20 ngày sau, họ đều xuất hiện triệu chứng có 1-2 khối sưng gần sẹo mổ, hơi đau, có dịch, mép vết mổ có dịch đục như dị ứng. Bệnh nhân được dùng kháng sinh và thuốc dị ứng nhưng hết thuốc lại rò dịch hoặc thêm khối sưng đau mới.

Kết quả cấy vi khuẩn cho thấy có 40/92 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Nontuberculosis Mycobacteria (đây là loại vi khuẩn kháng gần như tất cả kháng sinh thế hệ mới), xác định do dụng cụ phẫu thuật ngâm hóa chất, hóa chất này nhiễm khuẩn. Sau vụ việc này, Bộ Y tế đã bắt buộc dụng cụ nội soi phải tiệt khuẩn, không được ngâm hóa chất.

Năm 2017, một bệnh viện ở Bắc Ninh ghi nhận 19 trẻ với biểu hiện xuất huyết não, tim to, bụng trướng, vàng da ứ mật… Sau đó, trẻ được chuyển lên các bệnh viện ở tuyến trên. Kết quả cấy vi khuẩn do bị nhiễm khuẩn huyết do A.Baumannii được tìm thấy trên lồng ấp trẻ sơ sinh. Vụ việc đã khiến 4 trẻ sơ sinh tử vong.

Để tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, năm 2024 Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam đã tổ chức "chấm điểm" Trung tâm tiệt khuẩn xuất sắc (CSSD) cho các cơ sở y tế với các tiêu chí từ cơ sở hạ tầng tới giám sát, quản lý và sử lý dụng cụ y tế đảm bảo an toàn cho người bệnh, tránh lây chéo trong bệnh viện. Bệnh viện Hùng Vương là cơ sở đạt giải xuất sắc nhất năm 2024. Đây là cơ hội để các bệnh viện thực hành thật tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng tới an toàn người bệnh.

Theo Vietnamnet