Người dân Ulaanbaatar phép xếp hàng, chờ nhiều giờ trong thời tiết giá lạnh để được xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Nikkei Asia Reivew
Mới chỉ hơn một tháng trước, Mông Cổ vẫn là quốc gia “miễn nhiễm COVID-19”. Trẻ em được đến trường, những sự kiện tập trung đông người như hội thảo, hòa nhạc, thể thao đều được phép diễn ra. Mọi thứ như thế virus SARS-CoV-2 không tồn tại. Người dân nước này không còn đeo khẩu trang khi mùa hè tới, quy định giãn cách xã hội cũng được rút lại.
Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi kể từ ngày 11-11, khi ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được ghi nhận tại quốc gia Trung Á này. Một người lái xe tải chở hàng từ Nga về Mông Cổ được xác định dương tính với SARS-CoV-2 bốn ngày sau khi anh này rời cơ sở cách ly tập trung – nơi lái xe tiến hành cách ly đủ 21 ngày. Kể từ đó, đã có hơn 100 người mắc COVID-19 tại thủ đô Ulaanbaatar và hơn 300 ca ở các khu vực nông thôn.
Theo Giáo sư Mandakhnaran Davaadorj, một chuyên gia về miễn dịch tại Đại học Y khoa thuộc Đại học Quốc gai Mông Cổ, đó là điều không thể tránh được, dù Mông Cổ đã có gần 10 tháng kiềm chế thành công COVID-19, kể từ sau ca nhiễm nhập khẩu được phát hiện lần đầu tiên trong tháng 3 năm nay.
Ông nhắc lại thời điểm đó, với việc chính phủ cảnh giác cao độ trước COVID-19, đề ra biện pháp phòng tránh quyết liệt, còn người dân đều tự nguyện tuân thủ các quy định bắt buộc về đeo khẩu trang, rửa tay vệ sinh. Các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trong tháng 3 gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế với quy mô ba triệu dân. Nhà hàng, hiệu cafe, quán bar đều buộc phải đóng cửa, khiến nguồn doanh thu từ ngành dịch vụ này sụt giảm.
Mông Cổ đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ ngày 22-1 và đến tháng 3 thì đóng cửa toàn bộ biên giới, bắt đầu mở các chuyến bay thuê đón công dân Mông Cổ từ nước ngoài trở về. Số này phải cách ly 21 ngày trong các cơ sở tập trung, tiếp đó là tự cách ly 14 ngày tại nhà. “Mông Cổ đã thực hiện rất tốt cách ly người từ nước ngoài về và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn”, Sergey Diorditsa, Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Mông Cổ từng ngợi ca.
Giờ đây, khi đối diện với sự bùng phát của ca nhiễm mới trong tháng 11, giới chức Mông Cổ kỳ vọng lệnh đóng cửa quốc gia sẽ chấm dứt tình trạng lây nhiễm mộ lần và mãi mãi. Chính quyền nước này nỗ lực tiến hành xét nghiệm trên quy mô khoảng 500.000 dân, trong đó có quy định mỗi gia đình phải có một thành viên tham gia xét nghiệm bắt buộc.
Nhờ quyết tâm này, số ca lây nhiễm cộng đồng từ 11-11 đến 8-12 đứng ở con số 464 ca, cộng với 453 ca nhập khẩu, đưa tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này là 917 trường hợp. Lệnh đóng cửa được thực hiện từ ngày 12-11, dự kiến chấm dứt trong ngày 1-12, nhưng sau đó lại được gia hạn đến ngày 11-12.
Quy định phong tỏa bắt đầu được nới từ ngày 14-12. Người dân có thể quay trở lại đi làm, nhưng trường học, các trung tâm thể hình, trung tâm mua sắm, khách sạn vẫn chưa được phép mở cửa trở lại. Tất cả các hoạt động tụ tập đông người đều bị cấm.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang vật lộn với khó khăn mà tình trạng đóng cửa gây nên, khi họ vẫn chưa được tiếp cận bất kỳ nguồn hỗ trợ trực tiếp nào của chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp, trong khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, nhân công để duy trì sản xuất cầm cự.
Thủ tướng Khurelsukh Ukhnaa ngày 13-12 tuyên bố, chính phủ sẽ tài trợ tiền điện, nước sinh hoạt cho mọi doanh nghiệp và hộ gia đình đến tháng 7-2021, đồng thời mở các cuộc đàm phán với khu vực ngân hàng về khoanh nợ cho doanh nghiệp.
Chính quyền cũng nỗ lực duy trì xuất khẩu than, khoáng sản sang Trung Quốc, nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Mông Cổ. Tuy nhiên, lượng xe trở than qua cửa khẩu biên giới giảm từ 1.200 chuyến/ngày xuống còn 150 chuyến/ngày và mới tăng trở lại 300 chuyến/ngày trong tuần này. Nguyên do là phía Trung Quốc yêu cầu lái xe phải xuất trình được kết quả thử âm tính.
Một bộ phận dân cư phản ứng trước các quy định bất hợp lý trong thực hiện đóng cửa. Đơn cử, sau khi lệnh này được ban hành, xe tải chở hàng lương thực, thực phẩm buộc phải tuân thủ quy định chỉ được hoạt động sau 10 giờ đêm, dù giao thông thời điểm ban ngày rất thưa thớt. Một số chủ cửa hàng, nhân viên phải thức đến 4 giờ sáng để nhận hàng. Sau khi người dân phản ánh lên, quy định về xe tải chỉ được hoạt động sau 10 giờ tối mới được bãi bỏ.
Diễn biến dịch bệnh khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách tiếp cận của chính quyền trong cân bằng giữa kiểm soát lây nhiễm với duy trì hoạt động kinh tế.
“Mọi người đang chỉ trích các quyết định kiểu ngẫu hứng, không được dự trù rõ ràng từ trước. Virus đã lây lan trên thế giới hơn 10 tháng. Nhưng các quan chức của chúng tôi đang hành động tựa như Mông Cổ vừa mới phải đối diện với loại virus hoàn toàn mới. Thật khó để khẳng định họ đang quan tâm cứu giúp người dân trước đại dịch, hay là chỉ quan tâm đến giữ danh tiếng, thành tích”- ông Munkhsoyol Baatarjav, chuyên gia kinh tế và là thành viên ban lãnh đạo Đảng Lao động Quốc gia Mông Cổ nêu quan điểm.
Theo HOÀI THANH (Báo Tin tức)