Mong sớm được giải quyết vụ việc

01/08/2022 - 08:03

 - Cho rằng một hộ dân chiếm dụng toàn bộ đất, đương sự khởi kiện nhưng 48 tháng chưa được giải quyết. Vì vậy, họ tiếp tục phản ánh vụ việc đến nhiều nơi.

Trình bày vụ việc đến Báo An Giang, bà Bùi Kim Bình (sinh năm 1971, ngụ ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) cho biết, mẹ bà (Ngô Thị Xuyến, sinh năm 1942, vợ liệt sĩ) được ông ngoại bà (Ngô Văn Khánh) để lại 4.243m2 đất tiếp giáp Quốc lộ 91 (ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên), theo bằng khoán điền thổ số 446 do chính quyền cũ cấp năm 1944 (đất này của ông Ngô Văn Của, cha ông Khánh).

“Sau năm 1975, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng mẹ tôi sử dụng đất ổn định, chôn cất cho người thân, cho một số hộ cất nhà ở. Đến năm 1985, mẹ tôi chuyển nhượng 2.000m2 đất cho vợ chồng ông Lê Hồng Sơn, bà Ngô Thị Quạ (chết năm 2017, ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) bằng "giấy tay", nhưng giấy này bị thất lạc. Sau khi mua đất, bà Quạ tự kê khai toàn bộ đất, được UBND huyện Tịnh Biên cấp GCNQSDĐ số 02778/Hk ngày 27/11/2001, thửa số 15, tờ bản đồ 23, diện tích 2.641m2. Không lâu sau, bà sang nhượng đất cho 5 hộ, diện tích 1.892m2, còn vợ chồng bà đứng tên 788m2 đất. Biết chuyện, mẹ tôi khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang, nhưng 48 tháng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Sau ngày nhận quyết định xử sơ thẩm lần 2, mẹ tôi qua đời”- bà Bùi Kim Bình bức xúc.

Bà Bùi Kim Bình trình bày sự việc

Tìm hiểu sự việc cho thấy, ngày 1/10/2018, TAND tỉnh An Giang thụ lý vụ án dân sự về “Tranh chấp QSDĐ; đòi tài sản là tiền bồi hoàn đất; yêu cầu tháo dỡ, di dời vật kiến trúc và hủy GCNQSDĐ”. Cụ thể, bà Ngô Thị Xuyến (nguyên đơn) yêu cầu bà Ngô Thị Quạ (sinh năm 1949, bị đơn) trả lại 2.243m2, yêu cầu hủy 5 GCNQSDĐ. Trong đó, hủy GCNQSDĐ số H0855 của UBND huyện Tịnh Biên cấp ngày 25/9/2008, diện tích 749m2 cho bà Ngô Thị Quạ; GCNQSDĐ số CH02347và CH02348 của UBND huyện Tịnh Biên cấp ngày 20/8/2013, diện tích 618m2 và 339m2 do bà Ngô Thị Thẳng và ông Đương Minh Thuận đứng tên; GCNQSDĐ số H0781/hK của UBND huyện Tịnh Biên cấp ngày 16/6/2008, diện tích 152m2 do ông Ngô Phương Sang, bà Trần Thị Oanh đứng tên; GCNQSDĐ số H0857hK và H0858hK của UBND huyện Tịnh Biên cấp ngày 25/9/2008, diện tích 97m2 và 334m2 do ông Ngô Phương Tùng, bà Phù Thị Thủy đứng tên; GCNQSDĐ số CH1253hK của UBND huyện Tịnh Biên cấp ngày 2/8/2010, diện tích 243m2 do ông Ngô Phương Nghĩa, bà Dương Thị Hạnh đứng tên.

Đồng thời, yêu cầu tòa án buộc các hộ trả lại 133 triệu đồng cho gia đình bà, do trước đó họ đã nhận tiền bồi hoàn của nhà nước; đề nghị các hộ tháo dỡ, di dời nhà, vật kiến trúc trên đất.

Về phía bà Ngô Thị Quạ cho biết, chồng bà (ông Lê Hồng Sơn) trực tiếp sang nhượng đất với bà Ngô Thị Xuyến. Khi bán đất, bà Xuyến chỉ mốc ranh sát mé lộ chạy vào đất ông Tổng; còn phía bên kia cũng từ mép lộ vào phía sau đất ông ba Chân. Thời gian sau, bà Xuyến yêu cầu chuộc lại số đất. Khi bà Quạ yêu cầu bồi thường 3.000 cây bạch đàn trên đất, bà Xuyến nói không có khả năng, rồi từ chối.

Ngày 17/10/2019, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm, tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Xuyến. Không đồng ý, gia đình bà Xuyến làm đơn kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị xét xử phúc thẩm. Ngày 11/8/2020, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 36/2020/TLPT-DS, ngày 14/10/2020 do Bản án dân sự sơ thẩm số 65/2019/DS-ST, ngày 17/10/2019 của TAND tỉnh An Giang bị kháng cáo. Kết quả, chấp nhận kháng cáo của bà Ngô Thị Xuyến (bà Bình đại diện); hủy Bản án dân sự số 65/2019/DS-ST, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh An Giang giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Theo TAND cấp cao, trong quá trình giải quyết, tòa án sơ thẩm vi phạm về thủ tục tố tụng, sai sót trong xác minh, thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ vụ án. Trong đó, chưa làm rõ đất tranh chấp có nằm trong diện tích đất thuộc bằng khoán điền thổ hay không; xác định chưa rõ “Tờ bán đứt miếng đất ruộng” lập ngày 5/6/1985; chưa xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ việc cấp các GCNQSDĐ...

Theo hồ sơ thu thập, ngày 20/4/2021, TAND tỉnh An Giang có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Lý do “cần chờ kết quả đo đạc, định giá”. Ngày 20/1/2022, đơn vị có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự do tạm đình chỉ không còn. Tuy nhiên, theo bà Bình, gia đình bà không nhận được các quyết định nêu trên. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì tòa án vẫn tiếp tục có các hoạt động liên quan tới vụ án.

Cụ thể, ngày 7/6/2021 có Thông báo 156/TB-TA về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vào tháng 6/2021; biên bản ghi nhận sự có mặt phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 25/6/2021; biên bản tống đạt cho ông Lê Thanh Hùng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ vào ngày 29/6/2021; giấy triệu tập tất cả đương sự trong vụ án ký ngày 17/1/2022.

Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về tạm đình chỉ, giải quyết vụ án dân sự và hậu quả của việc tạm đình chỉ được hiểu là tạm ngưng các hoạt động tố tụng trong thời gian đó. Tuy nhiên, theo vụ án này, cho thấy có vi phạm thủ tục tố tụng; tòa án phúc thẩm đã chuyển hồ sơ cho tòa án sơ thẩm xét xử lại sơ thẩm. Trong quá trình xét xử, pháp luật quy định rõ thời gian. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết. Về vụ án này, tính thời hạn thụ lý lại đến nay đã khoảng 20 tháng nhưng chưa có kết quả giải quyết, được coi là kéo dài so với thời hạn pháp luật quy định.

N.R