Không thể phủ nhận, Lại Sơn rất đẹp. Những rừng dừa bạt ngàn khắp đảo, tràn xuống bãi cát vàng, tôn lên màu nước biển xanh ngát. Dọc theo con đường trung tâm xã, ở nơi trống trải, nhìn xuống chỉ thấy mênh mang trời và biển. Đặc sắc nhất là hàng loạt bãi tắm trong xanh, ghềnh đá trắng nằm hiền hòa trong sóng nước. Nhiều địa danh níu chân du khách khi đến với Lại Sơn như: bãi Bàng, Ma Thiên Lãnh, làng chài, dốc ba tầng, cây dừa nằm... Với những ai yêu thích không gian biển, đảo thì Lại Sơn là một lựa chọn rất tốt, đủ góc cạnh để chụp ảnh “sống ảo”, tận hưởng cảm giác trong lành của một nơi xa đất liền.
Ở Lại Sơn, nhịp sống của người dân chẳng khác gì so với những xã đảo khác. Họ cần mẫn đánh bắt hải sản, làm khô, nước mắm... Quanh năm bám biển, nước da ai cũng mặn mòi, đen bóng. Anh Nguyễn Văn Tọp (36 tuổi, ngụ ấp Thiên Tuế) là một ngư dân điển hình như thế. Gần 30 năm trước, rời bỏ cố đô Huế, anh theo gia đình trôi dạt ra đảo sinh sống. “Hồi đó bà o (chị của ba) ra đảo trước, làm ăn được. Thấy chúng tôi sống ở ngoài kia cực khổ, bà kêu chúng tôi vào. Tôi còn nhỏ xíu, chưa biết gì, phải bắt đầu cuộc sống xa xứ, theo người ta học nghề. Dần dần quen với sóng gió, tôi có thể mưu sinh bằng nghề biển như cư dân cố cựu. Đến khi trưởng thành, tôi lập gia đình, sinh con, cảm thấy mình chính thức bám gốc rễ ở đảo. Nhịp sinh hoạt của tôi đơn giản lắm: biển đẹp thì xuống ghe tàu đi đánh bắt. Biển động hoặc không vào mùa đánh bắt thì ai kêu gì làm nấy. Khách du lịch liên hệ thì hướng dẫn họ đi đánh bắt, tham quan chỗ này, chỗ kia...”. Mấy hôm chúng tôi ra, anh tận tình hỗ trợ, vui chơi cùng. Nụ cười tươi rói chẳng bao giờ tắt trên gương mặt đỏ au vì nắng của anh khiến người đối diện cảm mến.
Một góc xã đảo Lại Sơn
So với đất liền, Lại Sơn chẳng thiếu thốn gì. Rất nhiều nhà nghỉ, homestay mọc lên san sát. Đơn giản như phòng trọ truyền thống có, kiểu cách và màu sắc như xứ cao nguyên Đà Lạt cũng có. Máy lạnh, tivi đời mới... đầy đủ. Tiện nghi đến mức du khách phải ngẩn ngơ: thế này thì khác gì ở nhà? Rõ ràng, khi lượng khách ra đảo ngày càng nhiều, nhu cầu ăn, nghỉ, hưởng thụ càng cao thì “tiện nghi hóa” ở đảo càng phát triển với tốc độ chóng mặt. Chúng tôi không thể đếm xuể số lượng nhà nghỉ, quán ăn, công trình đang xây dựng mới dọc theo đường mình đi. Mỗi chuyến tàu cập cảng, người dân bước ra đón, chuyên nghiệp đến mức chẳng thể chê trách điều gì. Đi vòng quanh đảo đã có xe điện, xe máy, tàu cho thuê. Muốn những bữa tiệc hải sản, chủ nhà trọ, chủ quán nhiệt tình nấu nướng, phục vụ, du khách chỉ cần tận hưởng và... trả phí. Tại bãi tắm, xuất hiện quán bar, nhạc xập xình vào chiều tối. Đêm về, hình ảnh dễ gặp nhất là những nhóm khách hoặc người dân ngồi “lai rai” bên mâm nhậu với những món hải sản, tiếng hát karaoke rền rĩ. Khu vực cầu cảng sáng rực ánh đèn, dù trời dần về khuya. Nhiều người dân bảo với tôi “như vậy mới vui”. Họ vui vì có nhiều khách đến du lịch, họ có thu nhập, quên dần tháng ngày buồn hiu lúc trước.
Những ngày ở đảo, chúng tôi không tham quan theo lộ trình, chỉ thích đi lang thang ngắm cảnh và ăn uống. Kể cả ăn trưa ở bè, chúng tôi cũng hủy bỏ vì không chịu sự ồn ào, náo nhiệt. Dừng chân ở Lăng Ông Nam Hải, một di tích lịch sử- văn hóa cạnh nhà nghỉ, chúng tôi tham quan, cúng bái một phần hài cốt của cá ông trôi dạt vào đảo cả trăm năm trước. Lăng được xây một góc nhỏ trên cao, nhìn ra biển, yên tĩnh lạ thường. Thấy chúng tôi ghé lại, một cụ già hiền từ chỉ hướng thắp nhang, tham quan. Hỏi ra, tôi mới biết ông là Ba Móc, 88 tuổi, quê ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên. Hoàn cảnh khó khăn, ông cùng vợ con ra đảo sinh sống đã 40 năm, tham gia giữ lăng từ năm 2003. Gặp đồng hương, ông vui lắm, trò chuyện với chúng tôi như trút hết ruột gan. Từ một nông dân, ông trở thành ngư dân, nghe nước biển thấm mặn cuộc đời mình. Khi già yếu, ông giao chuyện mưu sinh cho các con, còn mình ngày 4 lượt lội bộ ra lăng “trông giữ”. Nói “trông giữ” cho có việc để làm, chứ mở cửa, đốt nhang, đóng cửa... đã có mấy thanh niên lo. Ông chỉ ngồi trên ghế đá, dưới gốc cây to, lắng nghe tiếng sóng biển rì rầm, hướng dẫn khách tham quan. Trưa, ông tản bộ về ăn cơm, chiều lại ra ngồi đó. Ông kể tôi nghe chuyện phát triển của đảo, chuyện đời ông, chuyện quê cũ... với đôi mắt xa xăm, mờ đục. Ông nhớ quê, nhưng chỉ có thể về thăm mỗi năm 1 lần, mà không thể bỏ đảo. Bởi, đảo đã nuôi sống gia đình ông, mang lại thu nhập ổn định bao năm nay, sao có thể rời đi?
Chúng tôi chỉ là những người khách ghé thăm đảo Lại Sơn vội vàng trong những ngày nắng đẹp, chưa hiểu được người dân đã kiên cường bám biển nhiều năm thế nào, chưa thấy rõ những vất vả để xây dựng Lại Sơn sầm uất như hôm nay. Thế nên, chúng tôi trân trọng họ, trân trọng nhịp phát triển của đảo, cùng người dân trên đảo mong ước xã sẽ ngày càng vui, càng nhộn nhịp, xóa nhòa khoảng cách giữa đất liền và đảo xa, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có của chính mình.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG