Tấm lòng với… “người dưng”
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được thành lập năm 2011 (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Hơn 200 người từ cụ già đến em bé sơ sinh tập trung tại đây thành “đại gia đình”, trong đó có 140 người già, 20 trẻ em, còn lại là đối tượng lang thang, ăn xin, cô đơn... 90% trong số họ đều bị bệnh tâm thần từ nhẹ đến nặng, 40 người nằm liệt giường không còn khả năng tự chủ. Hàng ngày, “gia đình” ấy diễn ra sinh hoạt bình thường, gói gọn trong ăn ở, tắm, giặt, ngủ, nghỉ… như mọi người ở bên ngoài, nhưng nỗi vất vả của cán bộ, nhân viên thì phải nhân lên gấp nhiều lần, có lúc phải nhờ thêm những đối tượng còn khỏe chăm tiếp cho đối tượng yếu hơn. Cách đối đãi của cán bộ, nhân viên chăm sóc khi tiếp xúc với họ là sự cảm thông, thấu hiểu cho những câu chuyện buồn phía sau, những tâm tư, đa cảm, thói quen, không còn tình thân mới phải vào đây nương nhờ. Sự thông suốt đó giúp họ mở rộng tấm lòng, bỏ qua những lời nói, hành động từ người bệnh mà đáng ra cần được đáp trả bằng sự trân trọng hay biết ơn.
Cô Nguyễn Thanh Hương (gắn bó tại đây hơn 15 năm) nhận chăm sóc các cụ lớn tuổi, đa phần bị tai biến, bệnh nặng không còn tự đi lại và sinh hoạt được. Một ngày của cô bắt đầu từ 6 giờ sáng, lần lượt giúp các cụ ăn, tắm rửa, vệ sinh rồi quét dọn nơi ở, giặt giũ. Cô Hương tâm sự: “Nhiều cụ khó chịu do bệnh tật, bị lẫn, “làm mình làm mẩy”, không “hợp tác” như: phàn nàn, đánh lại mỗi lần tắm rửa, xé toang mùng khi mới vừa giăng xong... nhưng cũng có nhiều cụ tính tình dễ thương lắm. Cha và mẹ tôi mất nhiều năm nay nên chăm sóc các cụ cũng như được chăm sóc chính cha mẹ của mình, tôi luôn cố gắng làm tròn”. 7 năm nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền (nhà tại xã An Hòa, Chợ Mới) hàng ngày qua 2 lần phà đến trung tâm làm việc. Chị chăm sóc trực tiếp cho hơn chục em nhỏ bị bệnh bại não, khuyết tật, hội chứng down, tâm thần, thiểu năng trí tuệ, bị bỏ rơi… Bé nhỏ nhất mới gia nhập vào “ngôi nhà chung” chỉ mới vài ngày tuổi, bị hở hàm ếch, sức khỏe yếu, từng hơi thở trong giấc ngủ của em trở nên khó khăn. Những ai làm mẹ sẽ hiểu cảm giác mệt nhọc khi phải chăm trẻ con thế nào thì tại đây, theo ca trực, mỗi người gánh nỗi cực nhọc đó lên gấp chục lần khi phải đảm đương hết 14 trẻ. Chị Hiền “đóng vai” làm mẹ của tất cả các bé. “Vì các em không được lanh lợi và phát triển trí tuệ bằng trẻ bình thường, chúng thể hiện những đòi hỏi bằng tiếng la hét, tiếng khóc và mình phải “hiểu” để đến kịp thời, dỗ dành” - chị Hiền chia sẻ.
Đối đãi nhau bằng tình thương, nơi đây đã trở thành tổ ấm thứ 2 của những mảnh đời bất hạnh
Tình người sưởi ấm cho nhau
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Dương Thúy Ngân cho biết, công việc của cán bộ, nhân viên tại đây mang tính đặc thù, nhưng số người làm hợp đồng hiện nay không có phụ cấp, trong khi đó vẫn thiếu nhân lực chăm sóc các cụ và trẻ nhỏ nên gặp nhiều khó khăn. Trung tâm có phòng y tế, song chưa có bác sĩ, những trường hợp bệnh nặng phải đưa ra ngoài điều trị, nhất là bệnh tâm thần phải vào Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang hay sang tận Đồng Tháp, Tiền Giang. Ngoài người bệnh, trung tâm còn quản lý, nuôi dưỡng đối tượng nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện game… Do trước đây mục đích xây dựng trung tâm chủ yếu chăm sóc người già và trẻ em, nên cơ sở vật chất chỉ mang tính bảo vệ tương đối. Từ khi tiếp nhận thêm các đối tượng này, thường xảy ra tình trạng gây rối mất trật tự, leo tường rào bỏ trốn, lén mua rượu, bỏ ra ngoài ăn xin… và trở lại như “cơm bữa”. Thời gian qua, nhiều người không chịu nổi đã nghỉ làm, thậm chí có người vừa đến trao đổi đã bỏ cuộc từ vòng phỏng vấn.
Theo chế độ quy định, sinh hoạt phí 1 năm của các đối tượng là 400.000 đồng/người, chi cho quần áo, tã lót, sữa, ăn uống… May mắn là trung tâm được các nhà hảo tâm, cơ quan nhà nước quan tâm tiếp sức. Ngoài các dịp lễ, Tết, mỗi đối tượng được tặng quà và thăm hỏi, thường ngày còn có các nhóm, tổ chức từ thiện đến tặng thêm đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm, tổ chức bữa ăn thay đổi khẩu phần cho các đối tượng. Trong thực lực của mình, cán bộ, công chức, nhân viên tại trung tâm vẫn nỗ lực cải thiện môi trường cho “ngôi nhà chung” ngày một tốt hơn. Bên trong từng căn phòng khó lẫn đi “mùi của bệnh tật”, nhưng mọi ngóc ngách vẫn sạch sẽ, ngăn nắp. Cạnh chân ghế đá, dưới gốc cây xanh vẫn có những chậu hoa nhỏ lấm tấm sắc đỏ, vàng trang trí thêm mấy lốp xe cũ cách điệu. Các cụ già ngồi bó gối nhìn vào khoảng không vô định, nhắc lại những đứa con mình từng có, nỗi buồn của cái tuổi “gần đất xa trời” với những ước muốn nhỏ nhoi không diễn đạt thành câu trọn vẹn… Những đứa trẻ bắt đầu biết ngồi, biết bò chưa nhận thức được số phận của mình vẫn còn trong trẻo ánh mắt tươi vui.
Từng mảnh đời khiếm khuyết nương tựa vào “đại gia đình” này để vơi bớt cô đơn, giúp nhau chắp vá tình cảm bị thiếu thốn. Tiếng cười vẫn xuất hiện nơi đây, hòa vào làn gió mát khi mọi người ngồi nghỉ trưa bên nhau, hòa lẫn cả những âm thanh già, trẻ vang vọng từ các phòng chăm sóc riêng biệt. Gạt qua những áp lực, vất vả của công việc, cán bộ, nhân viên gắn bó với nhiệm vụ ở đây vẫn tạo ra niềm vui từ những người mình chăm sóc, góp phần làm đẹp cho mái nhà chung chan chứa yêu thương!
MỸ HẠNH