Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó mở cửa trở lại đón tiếp và phục vụ khách tham quan từ ngày 24-4. Ảnh: Báo Cao Bằng
Tại Cao Bằng, triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan tại các khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn từ ngày 24-4.
Theo đó, thời gian mở cửa (theo giờ mùa hè) từ 7h00 đến 17h00 tất cả các ngày trong tuần. Sau 2 ngày mở cửa tự do (24-26-4), từ ngày 27-4, mở cửa bán vé, đăng ký hướng dẫn thuyết minh đón tiếp du khách tham quan tại tất cả các khu di tích.
Du khách khi tham quan được cán bộ Ban Quản lý đo kiểm tra thân nhiệt, rửa tay bằng xà phòng hoặc các loại dung dịch sát khuẩn trước khi vào tham quan tại các khu di tích; đeo khẩu trang trong suốt quá trình tham quan; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Dịch vụ xe điện phục vụ du khách kể từ ngày 27-4, tuân thủ giảm 50% số lượng hành khách trên mỗi chuyến xe; lái xe điện đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Tỉnh Cao Bằng có 2 khu di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) và Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (tai 2 xã Tam Kim, Hoa Thám, huyện Nguyên Bình).
Khu du lịch sinh thái Núi Đèn (Hà Tiên). Ảnh: kiengiang.gov.vn
Tại Kiên Giang, ngày 25-4, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang có văn bản cho phép các đơn vị lữ hành, các khu điểm du lịch được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ được đón khách du lịch nội địa và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đến tham quan du lịch.
Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh khi đón và phục vụ khách du lịch tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế địa phương đối với khách du lịch, cán bộ công nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, người lao động tại đơn vị.
Trong quá trình đón và phục vụ, yêu cầu du khách khai báo y tế (khai báo sức khỏe du lịch), đeo khẩu trang; rửa tay khi lên, xuống phương tiện vận chuyển, sử dụng các trò chơi, dịch vụ vui chơi giải trí; thực hiện giản cách giữa người với người tại các địa điểm tham quan để tránh tập trung đông người;
Các phương tiện vận chuyển khách du lịch phải đảm bảo số lượng hành khách, các điều kiện đảm bảo an toàn cho hành khách theo hướng dẫn của ngành giao thông.
Các khu vui chơi gải trí, khu-điểm tham quan thực hiện các biện pháp khử trùng sau mỗi ngày hoạt động.
Tại Thanh Hóa, bên cạnh một số dịch vụ được phép hoạt động trở lại từ ngày 23-4, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho phép từ ngày 25-4, các khu, điểm du lịch được đón khách nội tỉnh tham quan du lịch, tắm biển nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Tại Lâm Đồng, ngày 23-4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép các điểm tham quan khu, điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, chợ đêm... mở cửa đón khách nhưng phải bảo đảm các qui định phòng dịch, khai báo y tế.
Tại Cà Mau, ngày 23-4, UBND tỉnh Cà Mau cho phép các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh mở cửa đón khách trong và ngoài tỉnh từ 29-4.
Tại Bình Thuận, ngày 26-4, tiếp tục thực hiện phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn cho phép các khách sạn, cơ sở lưu trú; các khu, điểm tham quan du lịch, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại từ 0h ngày 27-4.
Các lĩnh vực này khi hoạt động trở lại phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Bên cạnh đó, cơ sở lưu trú du lịch có nhu cầu duy trì hoạt động hoặc tiếp tục hoạt động dịch vụ lưu trú phải thông báo với UBND các huyện, thị xã, thành phố (nơi doanh nghiệp hoạt động) và Sở VHTT&DL, Sở Y tế để thực hiện các biện pháp giám sát y tế trước khi trở lại hoạt động.
Theo THANH XUÂN (Báo Chính Phủ)