Lần đầu Việt Nam có mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia
Điều 25 quy định, Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề KBCB; có con dấu và trụ sở riêng. Hội đồng Y khoa quốc gia có các nhiệm vụ sau: Chủ trì phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về KBCB và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề KBCB; ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề KBCB; chủ trì tổ chức, kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB; tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB; thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Tại Điều 120 về hiệu lực thi hành quy định, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB theo quy định sau đây: Từ ngày 1/1/2027 đối với chức danh bác sĩ; từ ngày 1/1/2028 đối với chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh; từ ngày 1/1/2029 đối với chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
Quy định về tự chủ
Luật quy định, cơ sở KBCB của nhà nước được nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ KBCB theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ sở KBCB thực hiện tự chủ về tài chính theo quy định của pháp luật và các nội dung sau: Quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động KBCB, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do nhà nước định giá; quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động KBCB theo quy định của pháp luật; quyết định nội dung chi và mức chi từ nguồn thu dịch vụ KBCB và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở KBCB phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng tài chính của cơ sở; quyết định sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển hoạt động KBCB theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển; tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản do cá nhân, tổ chức cho, tặng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và không ràng buộc lợi ích giữa các bên để phục vụ công tác KBCB.
Cơ sở KBCB tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ KBCB nhưng không vượt quá giá dịch vụ KBCB tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
Giá dịch vụ KBCB bao gồm: Giá thành toàn bộ của dịch vụ KBCB quy định tại Khoản 2; tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Giá thành toàn bộ của dịch vụ KBCB bao gồm: Chi phí nhân công (tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp); chi phí trực tiếp; chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; chi phí quản lý. Việc định giá dịch vụ KBCB bảo đảm nguyên tắc: Bù đắp chi phí thực hiện KBCB phù hợp; hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ sở KBCB và người bệnh; rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh giá dịch vụ KBCB trong trường hợp cần thiết.
Việc định giá dịch vụ KBCB dựa trên các căn cứ sau: Yếu tố hình thành giá dịch vụ KBCB quy định tại Khoản 1 tại thời điểm định giá; quan hệ cung - cầu của dịch vụ KBCB, khả năng chi trả của người bệnh; chủ trương, chính sách, pháp luật về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong từng thời kỳ.
Điều động trong trường hợp khẩn cấp
Điều 115 quy định về huy động, điều động người tham gia hoạt động KBCB trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp, bao gồm: Người hành nghề KBCB, kể cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề; học viên, sinh viên, học sinh đang học trong cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe; người thuộc đối tượng được cấp giấy phép hành nghề KBCB nhưng chưa được cấp giấy phép hành nghề.
Điều 116 quy định việc huy động, điều động cơ sở KBCB tham gia hoạt động KBCB trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp. Cụ thể, thành lập mới cơ sở KBCB của nhà nước theo một trong các hình thức quy định tại Khoản 1, Điều 48 của luật này để thực hiện hoạt động KBCB trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp mà không cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của luật này và không phải cấp mới giấy phép hoạt động.
K.N