Chụp hình cưới ngoại cảnh là xu hướng của nhiều cặp đôi. Ảnh: Châu Thanh Tâm
Mùa của… những cánh thiệp hồng
Mùa cưới đẹp nhất thường kéo dài từ đầu mùa thu đến cuối xuân, tức tháng 8 năm nay đến hết tháng 2 (âm lịch) năm sau. Sở dĩ có quan niệm này vì tháng 8 mùa gặt lúa kết thúc, gia đình dư giả của cải để tổ chức tiệc cho con cái. Chưa kể, đây là lúc thời tiết dễ chịu nhất, việc tổ chức tiệc tùng cũng thoải mái hơn.
Khoe thiệp hồng trên tay, chị Phương Thảo (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho hay, chủ nhật này chị được mời dự 2 cái đám cưới. “Hai năm trước, tôi tất bật chuẩn bị cho lễ ăn hỏi của mình vào Giáng sinh, qua Tết tổ chức lễ rước dâu. Dĩ nhiên, việc chuẩn bị cho ngày trọng đại bao giờ cũng phải thật tươm tất. Vì vậy, chúng tôi dành hơn 1 tháng để chọn thiệp cưới, lên danh sách khách mời, chụp hình cưới, chọn nơi đãi tiệc, lên thực đơn… Từ việc lớn đến việc nhỏ đều phải thật chu đáo vì… đời người chỉ có một lần” - chị Phương Thảo chia sẻ.
Những dịch vụ đi theo mùa cưới vì thế làm ăn khởi sắc hơn so với mùa khác trong năm. Bà Nguyễn Thị Bạch Loan (ngụ phường Bình Khánh, đầu bếp một cơ sở nấu ăn) cho biết: “Tôi cũng bận rộn hơn khi mùa cưới về. Từ nay đến Tết, người ta tổ chức đám cưới nhiều. Gần 2 tháng nay, mỗi tuần, tôi nấu từ 2 - 3 đám. Có đám vài ba chục bàn, có đám cưới gần 50 bàn. Tuy việc chuẩn bị nấu nướng cực, nhưng vui lắm. Vì đây là mùa “ăn nên làm ra” của chúng tôi”.
Ngày cưới là một trong những ngày trọng đại nhất đời người, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân và gia đình. Tại Việt Nam, ngoài những nghi lễ đơn thuần, ngày cưới còn mang giá trị văn hóa sâu sắc, thể hiện sự tôn trọng đối với gia đình, dòng tộc và ước vọng hạnh phúc viên mãn của đôi lứa. Lễ ăn hỏi là nghi thức mở đầu cho đám cưới, thể hiện sự đồng ý của 2 họ về cuộc hôn nhân. Sau khi hoàn tất lễ ăn hỏi, nhà trai đến rước cô dâu về nhà. Tiếp đó là các lễ: Thành hôn, lại mặt, phản bái… Mỗi vùng miền sẽ có lễ nghi, phong tục cưới hỏi khác nhau. Song, truyền thống cưới hỏi là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam, giúp gìn giữ bản sắc dân tộc.
Những điều… khó nói
Đám cưới là hình ảnh đại diện cho bộ mặt của nhà trai, nhà gái trước quan viên 2 họ, nên các gia đình phải lo khoản chi phí rất lớn. Nhiều gia đình hy vọng, tổ chức xong tiệc cưới sẽ sớm “hoàn vốn”, nhưng đây là khoản đầu tư hên - xui. Không ít trường hợp phải vay mượn, bị “lỗ” sau khi cưới. Bởi, chi phí sắm sửa vòng vàng, của hồi môn, “tiền đồng”, thuê dịch vụ cưới, đãi tiệc… không hề nhỏ.
Với gia đình có điều kiện, đây là lúc thể hiện tình yêu thương con cái, để con có được đám cưới hoàn hảo nhất. Với nhiều gia đình khác, khoản chi trong ngày cưới vẫn là “bài toán” phải tính thật kỹ. “Theo tôi, đám cưới không cần quá sang trọng, cầu kỳ, nhưng cần thực hiện đầy đủ thủ tục của lễ cưới truyền thống” - bà Nguyễn Thị Giao (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) bày tỏ suy nghĩ.
Thiệp cưới trao tay, bên cạnh niềm vui chúc mừng hạnh phúc cho đôi uyên ương, nhiều người không khỏi lo lắng bởi áp lực tài chính. Tiền mừng cưới là vấn đề đau đầu nhất của khách mời, đặc biệt với người trẻ, khi bạn bè của họ đang trong độ tuổi cưới hỏi rất nhiều. “Ngoài tốn tiền mừng, tôi còn tốn thêm chi phí trang phục, phụ kiện đi dự tiệc để xuất hiện xinh đẹp, chỉn chu trong ngày trọng đại của cô dâu, chú rể” - chị Bé Ba (ngụ xã Cần Đăng, huyện Châu Thành) bộc bạch.
Anh Nguyễn Minh H. (34 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) đã đến tuổi lập gia đình mà mãi vẫn chưa dẫn bạn về giới thiệu gia đình. Bên nội, bên ngoại ai cũng “đứng ngồi không yên”. Vậy là, họ tranh thủ giới thiệu, mai mối anh H. với những người độc thân nhân các buổi tiệc. Anh H. chia sẻ: “Dù biết mọi người có ý tốt, nhưng ngày cưới là dành cho cô dâu, chú rể, tôi rất sợ những lời hỏi thăm chuyện riêng tư, nhất là việc mai mối “chớp nhoáng” trong đám cưới. Tôi là đàn ông không sao, chỉ sợ bạn nữ ngại với bạn bè trong buổi tiệc”.
Cùng hoàn cảnh như anh H., chị Nguyễn Phương L. (33 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) thường xuyên được quan tâm quá mức. “Cứ đến đám cưới của anh, em trong dòng họ, câu hỏi nhiều nhất tôi nhận được là: “Lấy chồng đi, tính vui chơi đến khi nào?”, “Định chừng nào lấy chồng vậy con?”… Những lúc như thế, tôi chỉ ậm ờ cho qua. Bị “giục” lấy chồng khiến tôi ngại đỏ mặt” - chị L. tâm sự.
Thật đẹp biết bao khi người ta có thể ríu rít bên nhau trong ngày cưới. Đâu chỉ là cô dâu, chú rể, mà cái ríu rít hồn nhiên đó còn thể hiện rõ ở ánh mắt, nụ cười của quan viên 2 họ và bạn bè. Để ngày cưới thêm trọn vẹn, chúng ta nên dành nhiều lời chúc phúc cho cô dâu chú rể, hơn là nhận xét, bình phẩm và quan tâm đến người khác.
PHƯƠNG LAN