Mùa mưa, “check-in” các suối thiên nhiên vùng Bảy Núi

24/06/2022 - 07:31

 - Mùa mưa mang lại cho vùng Bảy Núi một sức sống mới với màu xanh của rừng cùng với các loại đặc sản mang hương vị đặc trưng. Mùa mưa còn là cơ hội để tham quan, “check-in” những con suối hoang sơ, hùng vĩ của 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên.

Bức tranh hùng vĩ

Sau những ngày nắng như “cháy da cháy thịt”, mùa mưa đến mang cho Thiên Cấm Sơn màu “áo mới”, sức sống mới. Sức sống đến từ màu xanh của các loại cây rừng, của những vườn cây ăn trái được cho là đặc sản của địa phương (bơ, sầu riêng, dâu...). Mùa mưa còn đánh thức những con suối trên đỉnh núi Cấm “hò reo” suốt đêm ngày.

Nhắc đến núi Cấm, người ta thường nghĩ đến suối Thanh Long. Con suối này được hình thành từ những mạch nước ngầm trong lòng đá, len lỏi qua các khe đá thành một dòng suối lớn. Ngày thường, suối Thanh Long len mình qua những khe đá, nước chảy róc rách như bản nhạc rừng. Khi mùa mưa đến, nước chảy xiết hơn, tuôn dòng mạnh mẽ uốn lượn qua những ghềnh đá tạo thành một bức tranh sống động, thơ mộng tuyệt vời.

Ở độ cao trên 200m, dòng nước lắng lại thành những chiếc hồ nhỏ giữa lưng chừng núi. Mất khoảng 20 phút đi bộ từ chân núi để có thể đến được vị trí này. Đến đây, ngoài được ngâm mình trong dòng nước mát lạnh, du khách có thể thưởng thức món bánh xèo với hàng chục loại rau rừng từ lâu đã nổi tiếng và trở thành một trong những món đặc sản của núi Cấm với giá cả khá bình dân.

Cũng tại núi Cấm, ngoài suối Thanh Long, phượt thủ còn truyền tai nhau về suối Ô Tức Sa (Otuksa), một trong những con suối (một số người gọi là thác) mới nổi gần đây. Theo người dân địa phương, suối Ô Tức Sa được hình thành do nước từ động Thủy Liêm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn chảy xuống hồ Ô Tức Sa qua các vách đá cao tạo thành các dòng thác, dòng suối cực kỳ đẹp mắt. Con suối dốc thẳng đứng, độ cao hàng chục mét. Từ trên đỉnh, dòng nước chảy xuống tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Đặc biệt, sau những trận mưa, nước chảy mạnh tạo nên cảm giác vừa hồi hộp, vừa phấn khích.

Để đến được con suối này, từ hồ Ô Tức Sa, du khách phải băng qua các con đường ngoằn ngoèo, qua những tán rừng mới có thể đến được chân núi. Từ đây, du khách phải lội bộ (hoặc thuê xe) thêm 500m mới có thể đến được với con suối. Dù chưa được khai thác để phát triển du lịch, nhưng thời gian qua, suối Ô Tức Sa đã thu hút rất đông du khách đến tham quan, đặc biệt là giới trẻ ưa thích sự mới lạ, mạo hiểm...

Những con suối êm đềm

Nếu ở Tịnh Biên có những con suối lớn vào mùa mưa thì ở huyện Tri Tôn lại khác, suối nhỏ và chảy nhẹ nhàng hơn. Nhờ địa hình có nhiều ngọn núi cao nên ở đây cũng có nhiều con suối. Một trong những con suối được nhiều người biết đến hiện nay suối Ô Đá, tại thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn). Con suối nằm sâu sau tán cây rừng, len lỏi qua những khe đá tạo nên nét độc đáo riêng, sẵn sàng “níu chân” du khách một lần đến đây.

Nguồn gốc hình thành tên gọi con suối này được ghép bởi 2 từ “Ô” và “Đá”. “Ô” trong tiếng Khmer có nghĩa là suối. Ô Đá là tên gọi để chỉ con suối, chảy qua khe đá, ghềnh đá... Vào mùa khô, con suối chỉ là những vũng nước, phân tán khắp chân núi. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước từ đỉnh núi đổ xuống, nối liền mạch theo đường mòn quen thuộc, dẫn nước len theo các khe đá, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng độc đáo. Suối không sâu, một số nơi nước chảy khá yếu nên trẻ em tắm an toàn. Tuy nhiên, càng lên cao càng nguy hiểm do địa hình có nhiều đá gồ ghề, cây rậm và các loại côn trùng nên du khách phải cẩn thận.

Suối Ô Đá còn khá hoang sơ nhưng ẩn chứa sức hút kỳ lạ đối với du khách. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào làn nước trong mát, lắng nghe những âm thanh “rì rào” của dòng suối và của núi rừng… Ngoài tắm mát, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn được chế biến từ cua núi, ốc núi do người dân địa phương bắt và chế biến tại chỗ.

Cách đó hơn 11km, suối Ô Tà Sóc (xã Lương Phi) ít được nhiều người biết hơn. Gọi là suối nhưng đây là một quần thể thiên nhiên với nhiều hang động, lò ảng (hang đá), những dòng suối nước chảy quanh năm cùng với các loại cây rừng, vườn cây ăn trái. Suối Ô Tà Sóc phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân nơi đây nên không có nhiều “góc ảnh” độc đáo. Tuy nhiên, du khách cũng có thể tự tạo cho mình những khung ảnh giữa núi rừng hoang sơ. Đặc biệt, dọc theo con đường vào suối là những vườn tầm vông xanh ngát, tạo nên khung cảnh đẹp như trong những bộ phim cổ trang.

Nhờ địa hình đồi núi nên 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên còn có nhiều con suối lẫn khuất giữa những cánh rừng mà chỉ người dân địa phương mới biết. Không khí tại suối luôn mát lành nhờ được che phủ bởi vòm cây rừng cổ thụ nhiều hình thù và mạch nước ngầm từ núi. Tại đây, chim rừng ríu rít, nước suối róc rách hòa cùng gió rừng, suối lúc trầm lắng, khi sôi nổi chinh phục lòng người...

ĐỨC TOÀN