Sinh ra không may mắn như mọi người, anh Lâm Văn Tý (ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bị bại liệt từ nhỏ. Thiệt thòi mọi mặt, anh vẫn cố gắng không lệ thuộc, “ăn bám” gia đình. Hàng ngày, anh miệt mài cầm những tờ vé số bôn ba kiếm tiền.
Sáng sớm chạy ra TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) bán, chiều tối chạy về, anh cho biết: “Số phận đã lấy đi đôi chân của tôi, cha mẹ phải vất vả chăm sóc. Thấy được điều đó, tôi cố gắng phụ tiếp cha mẹ, bớt đi gánh nặng phần nào. Với số vốn ít ỏi, mỗi ngày tôi lấy 150 tờ vé số, rong ruổi khắp nơi.
Có khi, đậu dưới bóng mát, nhờ những tấm lòng của mọi người, tôi cũng bán hết số vé”. Mỗi ngày, anh kiếm được 300.000 đồng, tạm đủ lo cho vợ con. Tết sắp đến, anh phải vất vả hơn, cố gắng nhiều hơn nữa, vì trong nhà có thêm thành viên mới. Mọi gánh nặng dồn lên vai, nhưng anh vẫn lạc quan vào tương lai tươi sáng.
Đang lau chùi chiếc xe - “cần câu” kiếm cơm hàng ngày, ông Lâm Thanh Tùng (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết: “Tuổi cao, sức khỏe không còn, không thể xin việc được, tôi chạy “xe ôm” gần chục năm nay. Ngày nào đắt khách, tôi kiếm được hơn 200.000 đồng, ngày ế cũng hơn 100.000 đồng, đủ sinh hoạt hàng ngày. Vợ mất, 2 cha con tôi nương tựa nhau. Đứa con mới xin được việc làm công nhân, bắt đầu có lương.
Tết cận kề, nhu cầu đi lại sẽ tăng, thu nhập tôi sẽ tăng. Chỉ mong tôi đủ sức khỏe, kiếm tiền mua vài bộ quần áo, thực phẩm, sắm sửa vật dụng trong nhà… để có cái Tết đầm ấm. Dự tính là vậy, nhưng Tết, tôi vẫn ngồi đợi khách, kiếm thêm chút tiền, ngắm nhìn mọi người chơi Tết cũng khuây khỏa”.
Nhiều cụ già, ở độ tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, con cháu quây quần chăm sóc, họ phải còng lưng tự kiếm sống. Hàng ngày, bà Dương Thị Ngọc Ái (77 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đẩy chiếc xe nặng, bới từng đống rác, lượm vỏ chai nhựa, lon nước bán ve chai, kiếm khoảng 20.000 đồng. Bà còn lãnh thêm 10 tờ vé số bán để kiếm thêm thu nhập. Gần Tết, người ta dọn nhà, bỏ đi những thứ không cần thiết, tặng cho bà.
“Sáng nay, tôi không được khỏe, phải đi truyền nước biển, tốn hơn 200.000 đồng, nợ thêm tiền vé số. Con cái không đủ hiếu thảo, cũng là nỗi niềm lớn nhất trong lòng. Nhưng tôi cố gắng tự lo cho mình, không trông chờ vào ai” - bà Dương Thị Ngọc Ái bộc bạch.
Ngoài kia, rất nhiều người khó khăn, nhưng họ vẫn miệt mài lao động theo sức lực bản thân, kiếm cái ăn, cái mặc, chỉ mong cuộc sống bình yên đã là hạnh phúc. Tết đến gần, ai ai cũng lao động kiếm thêm thu nhập, sum họp gia đình đầm ấm, vui vẻ. Mong rằng chính quyền địa phương, nhà hảo tâm dành tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, để mọi người, mọi gia đình đều có Tết sum vầy.
ĐĂNG LÂN