Mưu sinh theo con nước

31/10/2018 - 07:29

 - Nước tràn đồng không chỉ mang theo phù sa bồi đắp, vệ sinh đồng ruộng, mà còn mang theo nhiều sản vật, giúp người nghèo có được mùa “làm ăn” bận rộn, nhất là đối với bà con ở các xã “vùng trong” huyện Châu Phú.

Lọp cua hoàn thành chờ giao cho khách

Đủ kiểu mưu sinh

Ngay từ đầu tháng 7 (âm lịch), khi con nước đỏ nặng phù sa, người dân các xã “vùng trong” của huyện Châu Phú đã chọn cho mình cách khai thác thủy sản phù hợp. Làm nghề đặt lọp ếch khoảng 3 năm nay, mỗi ngày khi mặt trời khuất sau dãy cây cao cặp bờ kênh, anh Phan Văn Giang (xã Đào Hữu Cảnh) chở những chiếc lọp ếch chạy dọc những tuyến đê của xã, tìm nơi thích hợp đặt lọp. Anh Giang cho biết: “Thời điểm kết thúc vụ lúa hè thu, những cánh đồng trở nên trống trải, ếch, nhái không còn nơi trú ngụ nên kéo nhau vào bờ tìm nơi ẩn nấp. Đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu công việc đặt lọp. Tuy nhiên, thời điểm đặt lọp ếch “chạy” nhất là khi nước mấp mé bờ kênh, lúc này ếch to hơn và số lượng tăng lên đáng kể”. Hiện tại, mỗi buổi chiều, anh Giang đi đặt khoảng 100 chiếc lọp ếch, đến 4 giờ sáng bắt đầu dỡ lọp, “chiến lợi phẩm” thu được khoảng 10-12kg ếch, mang về nguồn thu cho anh Giang vài trăm ngàn đồng.

Đối với ông Trần Văn Tư (xã Thạnh Mỹ Tây), mùa lũ luôn là mùa ông chờ đợi nhất trong năm, nước tràn đồng tuy vất vả nhưng ông Tư lại rất vui, vì có việc để làm và có thêm thu nhập. Ngồi trên chiếc xuồng câu trôi nhẹ trên sóng nước, dõi mắt theo những tấm lưới vừa thả xuống dòng kênh, ông Tư chia sẻ: “Nhiều năm trước, cá, tôm đầy đồng, chỉ cần 1 đêm thả lọp, giăng lưới là sáng hôm sau cá ngon đầy ắp khoang xuồng. Mấy năm gần đây, thủy sản trở nên khan hiếm, hôm nào “trúng mánh” kiếm được kha khá. Làm nghề này không ai giàu có, nhưng lại vui vì có thu nhập khỏi phải rời xa quê hương để mưu sinh, vì vậy dù nước lớn hay nhỏ tôi vẫn trân trọng.

Không riêng đàn ông tận dụng con nước tràn đồng để mưu sinh, phụ nữ cũng không thua kém, nhập cuộc bằng những việc làm vừa sức như: hái bông điên điển, cắt rau muống… để kiếm thêm ít tiền, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Những năm gần đây, bông điên điển mọc tự nhiên ít đi, nhưng cứ vào mùa này, chị Nguyễn Thị Huyền (xã Đào Hữu Cảnh) vẫn duy trì thói quen bơi xuồng cặp bờ kênh hái bông điên điển, sẵn tiện hái thêm vài ký rau muống để bán. Mỗi ngày, kiếm được khoảng 80.000 - 100.000 đồng, với chị đó không phải là công việc nặng nề, chỉ cần bỏ một ít thời gian là có thêm nguồn thu.

Nhộn nhịp nghề “hậu cần” mùa lũ

Nước lên, không khí sản xuất ở các làng nghề ngư cụ trở nên xôm tụ. Sáng sớm, trên con đường dọc theo bờ kênh thuộc ấp Mỹ Hòa (xã Mỹ Đức), bà con làng nghề lọp cua đã bắt tay vào việc. Người chuốt tre, ra rẽ, người thì dệt, uốn vành, bong lọp và nứt thành phẩm. Chia sẻ về việc làm của làng nghề, bà con nơi đây cho biết, làng nghề lọp cua xã Mỹ Đức được công nhận vào năm 2009, có 63 hộ sản xuất thường xuyên, với trên 200 lao động. Những năm trước, thời điểm này, nhiều gia đình đã kéo máy xuống vỏ lãi để chuẩn bị cho những chuyến đi đặt cua ở khắp các cánh đồng trong và ngoài tỉnh. Năm nay, nước lớn hơn nên làng nghề đã khởi động từ sớm, đơn đặt hàng vì thế cũng nhiều hơn, có nhiều khách đến đặt mua lọp cua với số lượng lớn, nhờ vậy số lọp tồn của năm trước cũng được tiêu thụ. Hiện nay, giá bán mỗi chiếc lọp cua 50.000 đồng, trừ chi phí, bà con lời khoảng 20.000 đồng/cái.

Cũng như làng nghề lọp cua, từ đầu mùa lũ, các hộ dân làm lưới 3 màng ở ấp Mỹ Thành (Mỹ Đức) luôn tay đan lưới nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Đang chăm chút công đoạn đạp chì cho tay lưới 3 màng, ông Sáu Vy, người có trên 20 năm kinh nghiệm làm loại nông cụ này chia sẻ: “Lưới 3 màng được đan thành phẩm với nhiều kích cỡ để đánh bắt các loại cá khác nhau nên được ngư dân ưa chuộng, như: lưới 3 phân để đánh bắt cá chốt, loại 7 phân đánh bắt cá mè vinh… Năm nay, nước lũ về nhiều, nhu cầu sử dụng lưới 3 màng đánh bắt thủy sản tăng theo, nhưng dụng cụ này được sản xuất thủ công, thành phẩm phải qua nhiều bước như: đan lưới, luồng 3 lớp màng, vô phao, đạp chì… nên cần nhiều nhân công làm phụ mới kịp giao cho khách. Mấy năm trước, lưới đan thành phẩm chỉ bán lai rai, nhưng năm nay tôi đã bán hơn 4.000 tay lưới, tăng gấp đôi so năm trước, giá bán mỗi tay lưới 180.000 đồng. Khách đặt hàng đến từ các huyện trong và ngoài tỉnh”.

MỸ LINH