Mưu sinh trong trạng thái bình thường mới

30/11/2021 - 07:36

 - Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, những người nghèo, lao động tự do bắt đầu quay trở lại công việc thường nhật để mưu sinh. Nhịp sống thường ngày của người dân cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường mới.

Người bán vé số giữ khoảng cách, sát khuẩn tay cho khách hàng khi bán vé số, nhận tiền

Anh Phan Văn Mãi (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, đang làm công nhân một công ty xây dựng ở TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi vào làm công nhân xây dựng được vài tháng thì dịch bệnh bùng phát, tất cả các công trình đều tạm dừng. Những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tôi phải ở nhà. Quen lao động tay chân, thời gian thất nghiệp, không có tiền sinh hoạt rất khó chịu. Nhưng vì dịch bệnh, kiếm việc làm khác cũng rất khó nên tôi phải chấp nhận”.

Ngay khi có thông báo được đi làm trở lại, anh Mãi vui mừng: “Mấy tháng ở nhà, vừa nhớ anh em đồng nghiệp, vừa nhớ cây leng, tiếng trộn hồ, tiếng gõ cốc cốc khi xây từng viên gạch… Giờ được đi làm trở lại, tôi mừng lắm. Vừa có công việc, vừa có thu nhập để ổn định cuộc sống và lo cho gia đình. Quan trọng là gần hết năm, chủ nhà cũng nôn nóng cho xong công trình để được vào ở nhà mới trước khi đón năm mới. Mặc dù tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng tôi cũng lo nếu không may nhiễm COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến gia đình, những người xung quanh. Vì vậy, tôi đeo 2 lớp khẩu trang, giữ khoảng cách khi làm việc và cuối tuần đi test nhanh để tự kiểm tra sức khỏe của mình, đảm bảo an toàn tại công trình và gia đình”.

Trên 20 năm hành nghề chạy "xe ôm", chưa bao giờ anh Trương Văn Danh (45 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) lại thấy... “ế ẩm” như hiện nay. Lúc trước dịch, hàng ngày, cứ 5 giờ, anh từ nhà chạy xe đến chợ Long Xuyên để chở hàng cho khách quen. Sau khi chở hàng xong thì chạy vòng vòng kiếm khách. “Khi chưa có dịch, mỗi ngày, tôi chạy được 10-15 cuốc xe, thu nhập hơn 300.000 đồng/ngày. Nhưng trong dịch COVID-19 này, người dân hạn chế ra đường, hạn chế đi lại, mua bán, có người sợ COVID-19 nên ít đi “xe ôm”, tôi chỉ chạy được vài cuốc xe mỗi ngày. Trừ tiền xăng, mỗi ngày tôi được vài chục ngàn đồng, hôm nào may mắn thì được hơn 100.000 đồng. Có hôm trời mưa tầm tã, ngày thì ngồi nắng rát mặt từ 6 giờ đến hơn 11 giờ trưa mà chẳng chạy được cuốc nào. Có khi cả buổi sáng chạy được 1-2 cuốc được gần 20.000 đồng. Dù thu nhập bị giảm nhiều nhưng tôi vui vì được ra đường chạy chở khách và có tiền lo miếng ăn cho gia đình” - anh Danh nói.

Ông Nguyễn Văn Lợi (78 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) đã được bán vé số trở lại gần 1 tháng nay sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội phải ở nhà, sống nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và hàng xóm. “Tôi lớn tuổi nên tôi chỉ ngồi một chỗ ven đường để bán cho khách qua lại. Mỗi ngày, tôi phải tiếp xúc với nhiều người nên luôn đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn cẩn thận và giữ khoảng cách với người mua, sát khuẩn tay mỗi khi nhận tiền hoặc tiếp xúc với khách”- ông Lợi cho biết. Dù dịch bệnh được kiểm soát, nhưng nhiều người còn ngại tiếp xúc với người lạ, nên việc bán vé số của ông Lợi bị ảnh hưởng rất nhiều. “Trước đây, khi chưa dịch bệnh, mỗi ngày tôi bán 200 vé, ngày ít nhất cũng được hơn 100 vé. Nhưng sau đợt giãn cách này, nhiều ca COVID-19 trong cộng đồng, người dân hạn chế tiếp xúc người lạ nên tôi bán chậm, lại ít vé. Mấy hôm đầu, mỗi ngày chỉ bán vài chục vé, giờ có ngày cao lắm được 70-80 vé. Tuy tiền lời không bằng lúc trước nhưng tôi không còn thiếu trước, hụt sau, sống nhờ hàng xóm”.

Anh Lâm Văn Tùng (34 tuổi, quê xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên) đang ở trọ tại phường Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên) phấn khởi khi cả nước nói chung và An Giang nói riêng trở lại trạng thái bình thường mới sau gần 4 tháng thất nghiệp. “Tôi làm phục vụ cho một tiệm cơm. Do dịch bệnh, phải giãn cách nên tiệm nghỉ, tôi phải nghỉ. Mấy tháng không lương, không trợ cấp. Cũng may, trước đó tôi và vợ còn ít tiền dành dụm. Thế là, vợ chồng tiết kiệm trong chi tiêu, đủ trả tiền thuê trọ. Gần đây, được nhận tiền trợ cấp của nhà nước nên tạm ổn. Tiệm cơm vừa gọi điện bảo khi nào tôi đủ 14 ngày sau khi tiêm mũi 2 vaccine thì trở lại làm việc. Tôi rất mong đủ ngày để trở lại công việc”- anh Tùng cho biết.

Thích nghi trạng thái bình thường mới, nhiều người lao động tự do đã ý thức hơn trong phòng, chống dịch COVID-19. Anh Tùng cho rằng: “Hiện nay, mình sống chung với dịch thì ngoài việc tiêm đủ liều vaccine, mọi người cũng phải ý thức khi trở lại công việc, nhất là phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, giữ khoảng cách với khách hàng, sát khuẩn tay thường xuyên để tự bảo vệ mình trước dịch bệnh”.

THU THẢO