Các nhà du hành Mỹ thực hiện nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng. Ảnh: NASA
Năng lượng hạt nhân có ưu thế lớn, khi không phát thải khí nhà kính và cả thế giới đang hướng tới việc giảm carbon hóa ngành năng lượng toàn cầu.
Thế nhưng hạt nhân tại Mỹ vẫn không bắt kịp xu hướng này. Năng lượng hạt nhân có thể bùng nổ ở nhiều nước như Nga, Trung Quốc – những nước liên tục đưa thêm nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động. Nhưng tại Mỹ, các cơ sở hạt nhân này hoặc là phải đóng cửa, hoặc là phải dựa vào trợ cấp của chính phủ để duy trì hoạt động.
Trong ngành năng lượng nội địa Mỹ, hạt nhân không có khả năng cạnh tranh với nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ từ cuộc cách mạng khí đá phiến ở Tây Texas. Không những vậy điện hạt nhân còn ít nhận được sự ủng hộ của công chúng và hậu thuẫn chính trị từ chính giới Mỹ, vì nó thường được gắn với nguy cơ thảm họa cao, như các thảm kịch từng xảy ra ở Chernobyl, Fukushima và đảo Three Mile ở Pennsylvania năm 1979.
Giờ đây, năng lượng hạt nhân lại chịu thêm một cú đánh nữa từ đại dịch COVID-19. Nhiều chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu ngành này có vượt qua được cơn bão đại dịch hay không. Vậy nhưng, Mỹ đã cho công bố kế hoạch, ý tưởng mới có thể “phóng” ngành năng lượng hạt nhân già nua lên vũ trụ.
Tạp chí Time mới cho đăng tải bài viết nói về việc Mỹ muốn “xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, có khả năng vận hành trên Mặt Trăng và Sao Hỏa. Tạp chí cũng đặt ra câu hỏi tìm kiếm ý tưởng từ khu vực tư nhân để hiện thực hóa kế hoạch này.
Đề nghị và bộ câu hỏi này được Bộ Năng lượng Mỹ đề xuất, với mục tiêu xây dựng một “hệ thống phát điện phân hạch trên bề mặt” có khả năng giúp con người duy trì sự sống trong một thời gian dài trên không trung trong một môi trường không thân thiện. “Phòng Thí nghiệm Quốc gia Idaho – một cơ sở hạt nhân ở đông Idaho, cùng với Bộ Năng lượng và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đánh giá, thẩm định ý tưởng phát triển lò hạt nhân kiểu này”, tạp chí Time cho biết.
Phòng thí nghiệm Idaho được coi là đơn vị đi đầu ở Mỹ về phát triển lò phản ứng tiên tiến, đã cho ra đời một số lò phản ứng siêu nhỏ và cả lò có thể hoạt động mà không cần nước làm mát. Trong khi phần lớn các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới hiện nay là lò làm mát bằng nước.
Lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ - vốn từ lâu đã được ngợi ca là tương lai của lò phản ứng hạt nhân giá rẻ, tin cậy và an toàn hơn, sẽ là nhân tố chủ chốt đưa năng lượng hạt nhân lên không trung. “Các lò phản phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ có thể cung cấp nguồn điện năng đủ dùng cho các sứ mệnh khai phá không gian theo lợi ích của chính phủ liên bang”, báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ hôm 24-7 nhận định.
Bộ Năng lượng Mỹ phối hợp cùng NASA, các nhà thâu Mỹ cùng với Phòng Thí nghiệm Quốc gia Idaho đã lập ra bản kế hoạch hai giai đoạn để đưa năng lượng hạt nhân tiến vào kỉ nguyên vũ trụ. Giai đoạn đầu bao gồm việc phát triển một thiết kế lò phản ứng hạt nhân thích hợp với Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Giai đoạn hai là xây dựng một lò phản ứng thử nghiệm, rồi đến bản điều chỉnh beta sẽ được gửi lên Mặt Trăng để kiểm tra thực tế. Đi cùng với đó là việc phát triển, xây dựng hệ thống mang phóng, cơ chế đáp-hạ giúp chuyển lò, thiết bị từ mặt đất lên hai hành tinh này. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, giai đoạn hai sẽ sẵn sàng thực hiện vào cuối năm 2026.
Những lò phản ứng đời đầu sẽ không có công suất lớn. Mục tiêu đề ra chỉ là có khả năng phát ra sản lượng điện liên tục ít nhất là 10 kiowatts. Trong khi đó, theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng tiêu thụ điện trung bình của một hộ gia đình tại nước này là 11.000 kilowatt mỗi năm. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải sử dụng nhiều lò phản ứng có kết nối với nhau để tạo ra sản lượng điện cần thiết trên Mặt Trăng, Sao Hỏa.
Theo HOÀI THANH (Báo Tin Tức)