Mỹ lại có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội dập dịch COVID-19

10/09/2020 - 10:23

Khi số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng giảm, giới chuyên gia lo ngại Mỹ lại bỏ lỡ cơ hội ngắn ngủi này để dập dịch trước khi mở cửa trường học và mùa đông tới.

Theo tờ Politico, cho tới khi có vaccine và thuốc đặc trị COVID-19, công cụ để chống virus SARS-CoV-2 vẫn như vậy: xét nghiệm, khẩu trang, giãn cách và mọi thứ mà người Mỹ đã nghe nhiều nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở New York, Mỹ ngày 7/9. Ảnh: THX/TTXVN

Bây giờ, các biện pháp này thực sự quan trọng. Các ca mắc mới đã giảm xuống từ đỉnh dịch lần hai trong mùa hè vừa qua. Đây là cơ hội ngắn ngủi để giảm số ca mắc, không phải về con số 0 mà đủ thấp để giảm tác động của đợt lây nhiễm mới trong mùa thu này.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ dường như không quyết tâm trong vấn đề dập dịch, ngay cả khi các điểm nóng mới xuất hiện cả ở miền Nam và Thượng Trung Tây. Tổng thống Donald Trump chỉ dành vài câu nói về các biện pháp phòng ngừa cơ bản khi họp báo cuối tuần trước. Ngoài ra, ông lại dựa vào một cố vấn mới là Scott Atlas, người không có nền tảng về y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm, nhưng lại có cùng quan điểm với ông về việc mở cửa lại nền kinh tế rộng hơn, nhanh hơn.

Khi bước vào giai đoạn tranh cử nước rút trước bầu cử ngày 3-11, Tổng thống Trump phần lớn phát biểu trước đám đông không đeo khẩu trang và khẳng định sắp có vaccine ngừa COVID-19.

Đại dịch đạt đỉnh ở Mỹ lần đầu vào cuối tháng 4, sau đó dừng ở mức 20.000 ca mới/ngày. Khi Mỹ vội vã mở cửa lại, virus lại bật dậy ở miền nam. Số ca lây nhiễm đạt đỉnh lần nữa vào ngày 24-7 với con số 60.000 ca/ngày và sau đó giảm xuống còn 40.000 ca/ngày hiện nay. Con số này vẫn cao một cách nguy hiểm. Một mô hình đã điều chỉnh tăng con số dự báo ca tử vong vào tháng 1/2021 lên trên 400.000, tức gấp đôi tổng số ca tử vong hiện nay: 195.000 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Miami Beach, bang Florida, Mỹ ngày 24-7. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào thời điểm dịch hoành hành mạnh trong mùa hè, Mỹ cũng đạt một số thành công trong chống dịch khi xét nghiệm rộng hơn, người dân đeo khẩu trang nhiều hơn, nhân viên y tế có nhiều thiết bị bảo hộ hơn, bác sĩ thành thạo hơn trong ngăn chặn ca tử vong.

Dù vậy, ông Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh thời chính quyền trước, nói rằng Mỹ cần phải làm nhiều hơn vì Mỹ đang chậm chạp so với toàn cầu.

Theo ông Geraldo Chowell, Giáo sư dịch tễ và thống kê sinh học tại Đại học Bang Georgia, khi các chuỗi lây nhiễm xuất hiện ở trường học, các ca bệnh có thể bắt đầu tăng vọt trở lại sau một, hai hoặc ba tuần nữa. Ông nhận định: “Đợt ca bệnh tiếp theo sẽ bắt đầu xuất hiện, rồi lại có đợt tiếp nữa, tiếp nữa”.

Do đó, bà Marta Wosinka, Phó giám đốc chính sách tại Trung tâm Chính sách Y tế Duke-Margolis cho rằng cần phải chống dịch nhanh và quyết liệt.

Tuy nhiên, mọi người lại không làm theo ba nguyên tắc mà bà Wosinka khuyế nghị là rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách vì không có lời giải thích rõ ràng, nhất quán về việc tại sao ba việc này lại quan trọng. Các bang gặp khó khăn khi áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như đóng cửa quán bar, yêu cầu đeo khẩu trang.

Thông điệp từ cấp cao nhất đều không nhất quán khi Tổng thống Trump thường xuyên xung đột với các nhà khoa học và luôn tự tin phản ứng chống dịch của Mỹ là “tuyệt vời”, “khó tin”, rằng Mỹ xét nghiệm tốt nhất thế giới và có thừa máy thở. Một số cố vấn của ông Trump còn dùng thời quá khứ khi nói về COVID-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử ở Bắc Carolina, Mỹ ngày 8-9. Ảnh: AFP/TTXVN

Những điều đó khiến người dân không thấy tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và giãn cách.

Ngay cả khi có vaccine thì sẽ mất thời gian để phân phối rộng rãi và thời gian để người dân hình thành phản ứng miễn dịch sau tiêm. Điều đó có nghĩa là giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng sẽ khiến mọi người rất dễ bị tổn thương. Lý do là vì người dân có thể lầm tưởng có vaccine nghĩa là đã an toàn, bỏ qua giãn cách, không đeo khẩu trang.

Đầu tháng tư, người Mỹ đã giảm hoạt động đi lại xuống 52% so với trước đại dịch. Nhưng tỷ lệ này chỉ còn 23% vào giữa tháng 8. Khi trường học mở cửa lại, tỷ lệ đó sẽ còn thấp hơn. Ngay cả khi nếu nhiều người ở nhà thì vẫn có các cuộc tụ tập lớn để virus tiếp tục lây lan. Trong khi đó, người dân không đeo khẩu trang nhiều và việc theo dõi tiếp xúc vẫn là điểm yếu của Mỹ.

Ông James Lawson, chuyên gia an ninh y tế toàn cầu tại khoa y Đại học Nebraska, tỏ ra không lạc quan về việc Mỹ có thể đạt tiến bộ lớn khi đối phó dịch bệnh trong tương lai gần. Nhưng ông dự báo rằng sau bầu cử, đại dịch sẽ không còn là trận bóng chính trị nữa. Ông nói: “Khi đó, thông điệp sẽ khác và mọi người sẽ không nhìn đại dịch qua lăng kính chính trị”.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)