Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

20/02/2021 - 08:48

Hôm 19-2, Mỹ chính thức gia nhập lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và chính quyền Biden lên kế hoạch cắt giảm mạnh lượng khí thải trong 3 thập kỷ tới.

Đặc phái viên về vấn đề khí hậu của Mỹ John Kerry đã tham gia các sự kiện trực tuyến hôm 19/2, đánh dấu sự tái gia nhập của Mỹ. Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Anh, Italy và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

“Chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải làm việc để cố gắng tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”, Đặc phái viên về vấn đề khí hậu Mỹ John Kerry cho hay.

Đặc phái viên về vấn đề khí hậu Mỹ John Kerry. (Ảnh: Reuters)

Sau khi nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, cam kết đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Sau một tháng, Mỹ đã hoàn thành các thủ tục để chính thức gia nhập lại hiệp định. Các nhà khoa học và các nhà ngoại giao nước ngoài đã hoan nghênh quyết định của Mỹ khi quay trở lại hiệp định.

Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ lập hướng tới mức phát thải của Mỹ bằng không vào năm 2050. Các nhà khoa học đã nói rằng mục tiêu đó phù hợp với thực tế, đồng thời nhấn mạnh lượng khí thải toàn cầu cần giảm một nửa vào năm 2030, ngăn chặn những tác động của sự nóng lên toàn cầu.

Ông John Kerry cho biết, Mỹ có ý định đưa Trung Quốc - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, vào bàn đàm phán trong ngoại giao biến đổi khí hậu, ngay cả khi có những bất đồng về nhân quyền và thương mại với Bắc Kinh.

Đại sứ Anh tại Mỹ Karen Pierce cho biết, khí hậu là một vấn đề mà “Trung Quốc có thể là đối tác hữu ích”. Bà cho biết điều này sẽ khuyến khích sự phối hợp chặt chẽ hơn của Mỹ, EU và Anh: “Tất cả chúng ta càng gần nhau hơn về vấn đề khí hậu, chúng ta càng chứng tỏ cho phần còn lại của thế giới thấy rằng họ có thể tham gia và giúp giảm sự nóng lên toàn cầu”.

Bất chấp sự phấn khích về việc Mỹ quay trở lại các cuộc đàm phán toàn cầu, các nhà đàm phán về khí hậu cho rằng con đường phía trước sẽ không dễ dàng. Các mục tiêu khí hậu của ông Biden phải đối mặt với thách thức chính trị ở Mỹ, sự phản đối từ các công ty nhiên liệu hóa thạch và một số lo ngại của các lãnh đạo nước ngoài về việc Mỹ lật ngược chính sách khí hậu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres hoan nghênh sự trở lại của Mỹ, nhưng cảnh báo con đường phía trước sẽ không dễ dàng.

Theo KỘNG ANH (VTC News)