Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 12/10/2023 trích dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết, các máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Al Dhafra ở UAE.
Chúng ta đang nói về phi đội vẫn đóng tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Arizona. Trước đây Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu của mình tại UAE đề phòng xảy ra chiến tranh quy mô lớn trong khu vực, vì có khả năng Iran và Lebanon sẽ tham gia vào cuộc xung đột.
"Lầu Năm Góc thông báo rằng một số máy bay chiến đấu được điều động tới Trung Đông để bảo vệ Israel và ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo đã đến khu vực vào hôm 12/10", tờ WSJ loan tin.
Với động thái trên, Washington một lần nữa thể hiện cam kết vững chắc với đồng minh Israel, đồng thời khiến những quốc gia khác sẽ phải cẩn trọng trong các hoạt động của mình nhằm tránh xung đột trực tiếp với Mỹ.
Có một điều cần lưu tâm đó là không quân Mỹ từng dự định loại biên toàn bộ phi đội cường kích A-10 của mình, nhưng trước sức ép lớn từ các nhà lập pháp thì kế hoạch đã bị hủy bỏ.
Lý do cường kích A-10 vẫn còn rất cần thiết bởi vì F-16 hay F-35 chưa tỏ ra là phương tiện yểm trợ hỏa lực tin cậy và hiệu quả với chi phí thấp tương đương với chiếc Thunderbolt II.
Theo ước tính, trên địa hình thảo nguyên rộng lớn, một phi đội 4 chiếc A-10 có thể dễ dàng xóa sổ ít nhất là 1 tiểu đoàn xe tăng của đối phương, thậm chí nhiều hơn.
Dựa vào khẩu pháo hàng không lớn nhất thế giới GAU-8/A Avenger cỡ 30 mm với 1.174 viên đạn; rocket Hydra, CRV7, Zuni cỡ 127; tên lửa AGM-65 Maverick; bom Mk 80, GBU JDAM... A-10 thực sự là "một con quái vật trên không", ác mộng của bộ binh, thiết giáp.
Cường kích A-10 phát huy rất tốt vai trò tại chiến tranh vùng Vịnh khi đã phá hủy tới hơn 500 xe tăng các loại của Quân đội Iraq.
Hỏa lực mạnh, bọc giáp dày, tin cậy trong sử dụng, sức sống cao là những ưu điểm nổi trội của máy bay cường kích tầm thấp A-10 Thunderbolt II.
Ngoài ra điểm đáng sợ nữa của A-10 là nó không tác chiến đơn độc mà nó được "che đầu" ở tầm cao bằng các loại tiêm kích tàng hình F-22/35 cũng như những chiến đấu cơ F-15/16/18 cũ hơn.
Các máy bay tiêm kích này sẽ đảm nhiệm vai trò chiếm ưu thế trên không, vừa ngăn cản chiến đấu cơ đối phương gây hại cho A-10 lại vừa lĩnh trách nhiệm tiêu diệt các tổ hợp phòng không tự hành đi kèm đội hình xe tăng.
Ngoài biên đội cường kích A-10, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ hai của Mỹ USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) cũng đã rời căn cứ hải quân Norfolk và cùng với nhóm tác chiến của nó di chuyển đến Trung Đông.
Hiện tại, điểm đến cuối cùng của biên đội nhiều khả năng là Vịnh Ba Tư, nhưng mọi thứ có thể thay đổi và nó sẽ cùng hoạt động với tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) hoạt động ở Biển Địa Trung Hải.
Không chỉ có vậy, Hải quân Hoàng gia Anh cũng thông báo điều hai tàu chiến tới bờ biển Israel. Tàu hỗ trợ và tàu đổ bộ lớn đang đóng tại Oman và do vậy sẽ đến Israel khá nhanh.
London cũng tuyên bố bắt đầu các chuyến bay trinh sát trên lãnh thổ Israel nhằm phát hiện mọi mối đe dọa có thể nhằm vào đồng minh thân thiết của mình.
Theo An ninh thủ đô