Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do COVID-19

30/01/2021 - 09:53

Đến sáng 30-1, thế giới có tổng số 102.540.538 ca nhiễm và 2.213.279 ca tử vong vì dịch COVID-19. Chỉ trong một ngày, có tới 522.449 ca nhiễm và 13.483 ca tử vong mới. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.

Thế giới đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Reuters) 

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 30/1, đã có 74.207.795 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 26.115.767 ca bệnh đang điều trị, có 26.010.022 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 109.442 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm tới 122.216 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (57.727ca) và Tây Ban Nha (38.118 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong 1 ngày qua với 2.679 ca, sau đó là Mexico (1.506 ca) và Anh (1.245 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng rất nhanh, khiến khu vực này có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, với tổng số 30.259.909 ca, trong đó có 644.523 ca tử vong và 19.146.072 ca được điều trị khỏi. Với 26.464.453 ca nhiễm và 446.487 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.825.519 và 769.236 ca nhiễm, cùng 155.145 và 19.772 ca tử vong vì COVID-19.

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 200.159 ca nhiễm và 5.717 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Anh và Pháp là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 3.813.048; 3.772.813 và 3.153.487 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 104.371 ca, sau khi có thêm 1.325 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (87.858 ca) và Pháp (75.620 ca).

Với 22.938.822 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 30/1, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 370.304 ca đã tử vong do COVID-19 và 21.381.079 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 10.727.240; 2.464.030 và 1.405.414 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 154.069; 25.736 và 57.807 ca.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 85.908 ca nhiễm và 1.689 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 15.735.599 ca và 412.142 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 57.727 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 9.118.513 vào thời điểm hiện tại. Với 990 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 371 ca tử vong mới, và Argentina với 174 ca tử vong mới do COVID-19..

Tính đến sáng 30/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.551.245 ca, trong đó có 89.935 ca tử vong và 3.026.004 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.443.939 ca nhiễm và 43.633 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 6.141 ca nhiễm mới và 528 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Ai Cập, với tổng số lần lượt 469.990 và 164.871 ca nhiễm bệnh cùng 8.246 và 9.217 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 50.121 ca nhiễm (tăng 16 ca) và 1.076 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 7 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.800 ca, trong đó 909 ca tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được tăng cường. Ủy ban các sản phẩm thuốc dùng cho người (CHMP) thuộc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã đánh giá kỹ lưỡng các dữ liệu về chất lượng, an toàn và hiệu quả của vaccine AstraZeneca và được Ủy ban châu Âu đồng thuận khuyến nghị nên cấp phép lưu hành có điều kiện chính thức. Điều này đảm bảo vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Theo Giám đốc điều hành EMA Emer Cooke, với loại vaccine này, EU có thể mở rộng hơn nữa kho vaccine trong khối cho các nước thành viên trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và bảo vệ công dân EU. Đây là loại vaccine thứ 3 được EU phê chuẩn sử dụng sau vaccine do các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất.

Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 29/1 đã ra khuyến cáo về việc sử dụng AstraZeneca phòng ngừa đại dịch COVID-19, theo đó nên tiêm vaccine này cho tất cả những người trên 18 tuổi.

Theo KHÁNH LINH (Đảng Cộng Sản)