Theo Myanmar Now, ít nhất 50 người biểu tình thiệt mạng trong ngày 27-3 tại Myanmar. Reuters cho biết chưa thể xác nhận con số này, trong khi đó một người phát ngôn quân đội từ chối bình luận.
Quân đội Myanmar tổ chức duyệt binh kỷ niệm ngày lực lượng vũ trang hôm 27-3, tại thủ đô Naypyitaw. Tại sự kiện này, Thống tướng Min Aung Hlaing tái khẳng định sẽ tổ chức các cuộc bầu cử, nhưng chưa đưa ra khung thời gian cụ thể.
Tình trạng bạo lực tại Myanmar khiến hơn 300 người chết, theo các báo cáo. (Ảnh minh họa: Reuters)
Quân đội hồi đầu tháng 2 bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Myanmar cùng nhiều lãnh đạo dân sự và cáo buộc cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi giành thắng lợi là gian lận. Sau chính biến này, hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Myanmar, đi kèm với làn sóng đình công từ nhiều nhóm nghề nghiệp.
Trong sự kiện của quân đội, ông Min Aung Hlaing khẳng định họ muốn chung tay với cả nước bảo vệ nền dân chủ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết “hành động bạo lực ảnh hưởng đến ổn định và an ninh nhằm đưa ra các yêu cầu là không phù hợp”.
Trong khi đó, theo các báo cáo, số người thiệt mạng sau chính biến tháng 2 ở Myanmar đã lên đến gần 380.
Ông Yawd Serk, Chủ tịch tổ chức "Hội đồng khôi phục bang Shan-Quân đội bang Shan - phía Nam" (RCSS), một nhóm vũ trang dân tộc Myanmar, nói với Reuters: "Nếu họ tiếp tục bắn vào những người biểu tình và bắt nạt mọi người, tôi nghĩ rằng tất cả các nhóm sắc tộc sẽ không chỉ đứng nhìn và không làm gì cả".
RCSS, hoạt động gần biên giới Thái Lan, là một trong số các nhóm vũ trang dân tộc đã lên tiếng phản đối việc quân đội giành chính quyền và cam kết đứng về phía người biểu tình. Khoảng 20 nhóm vũ trang dân tộc Myanmar hoạt động tại các vùng của nước này.
Theo PHƯƠNG ANH (VTC News)