Năm 2020: Kiên cường Việt Nam

31/12/2020 - 09:43

Năm 2020, không chỉ phải căng mình đối phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam còn phải đối diện với những thách thức lớn chưa từng có của thiên tai. Song trước vô vàn khó khăn, thách thức đó, Việt Nam đã từng bước vượt qua và thu được những thành tựu rất đáng tự hào.

Qua đó, cho thấy một Việt Nam không chỉ kiên cường trong chiến tranh mà kiên cường trong cả thời kỳ phát triển đất nước. Kiên cường trong chống dịch, chống thiên tai, chống tham nhũng; kiên cường trong tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo cuộc sống an yên cho người dân; kiên cường tạo ra nền tảng vững chắc cho hành trình “thịnh vượng và phát triển”.

Điểm sáng chống dịch COVID-19

Chú thích ảnh

Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 (tính đến ngày 25-12-2020 Việt Nam có 1.432 ca mắc, đã chữa khỏi 1.281 ca) trong bối cảnh thế giới ghi nhận (hơn 79,6 triệu ca mắc và trên 1,74 triệu ca tử vong). Ảnh: TTXVN

Trong những ngày này, khi châu Âu, châu Mỹ và nhiều khu vực khác vẫn “lao đao” vì đại dịch COVID-19 với số người mắc, tử vong không ngừng tăng lên và đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, thì Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế.

Trở lại thời điểm cuối năm 2019, khi dịch COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã lên phương án phòng chống ngay khi chưa có ca bệnh nào. Sau khi có các ca bệnh đầu tiên (ngày 23-1-2020), Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã được thành lập, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu. Với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", Ban chỉ đạo đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế được thực hiện ở nhiều cấp độ: cách ly toàn xã hội (tháng 4-2020); cách ly toàn thành phố (Đà Nẵng, tháng 7-2020); cách ly phường, xã (Trúc Bạch, Hạ Lôi (Hà Nội), Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)... Cuối tháng 3-2020, dừng nhập cảnh với người nước ngoài; đầu tháng 4, dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Và trong suốt một năm qua, lực lượng biên phòng đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức hơn 1.600 tổ với khoảng 10.000 người, chốt chặn đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt tuyến biên giới, xử lý trên 20.000 người nhập cảnh trái phép...

Đồng thời, công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân cả nước. Hầu hết người dân đều tự giác tuân thủ, thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng bệnh của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế. Đặc biệt, để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, người dân dần quen với việc thực hành thông điệp 5K: khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khoảng cách, khai báo y tế; bên cạnh đó, cài đặt các ứng dụng phát hiện, cảnh báo nếu có tiếp xúc với các nguồn lây. Kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, cho thấy, có đến 97% người dân được hỏi đều thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng chống COVID-19.

Nhờ những quyết sách hiệu quả, kịp thời, từ đầu năm đến nay Việt Nam mới xuất hiện hơn 1.400 ca bệnh, phần lớn là nhập cảnh. Đa phần các ca bệnh COVID-19 ở Việt Nam đều được điều trị khỏi bệnh, trong đó có những ca “siêu khó”, các bác sỹ đã phải nỗ lực làm mọi cách để giành lại sự sống cho họ từ tay tử thần, như trường hợp bệnh nhân 19, 91... Số ca tử vong chiếm tỷ lệ rất nhỏ (35 ca), hầu hết là những người có bệnh nền nghiêm trọng.

Bên cạnh những dấu ấn trong công tác phòng bệnh và điều trị, Việt Nam cũng nằm trong nhóm những quốc gia đầu tiên tự phát triển vaccine COVID-19 - Nanocovax, vừa được đưa vào thử nghiệm trên người vào tháng 12-2020, dự kiến sẽ chính thức đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021.

Việt Nam cũng là nơi trở về an toàn cho công dân và doanh nghiệp giữa bối cảnh hầu hết cường quốc trên thế giới lâm vào khủng hoảng y tế. Nhiều chuyến bay “giải cứu” người Việt ở nước ngoài được thực hiện, thể hiện truyền thống nhân đạo cao đẹp, “không ai bị bỏ lại phía sau” của dân tộc Việt Nam. Tính đến hết tháng 12-2020, đã có hơn 200 chuyến bay đưa hơn 44 nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Các chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân... nước ngoài cũng được tạo điều kiện nhập cảnh để đầu tư, kinh doanh. 

Thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 thể hiện quyết tâm cao, sự chủ động, khẩn trương và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chấp hành nghiêm chỉnh của người dân. Để duy trì thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe người dân, chính phủ đã yêu cầu tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh. Giờ đây, người dân đã hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra song vẫn đảm bảo các biện pháp chống dịch.

Thiên tai dị thường, nghị lực phi thường

Chú thích ảnh

Lực lượng chức năng ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) sơ tán người dân vùng ngập lụt ở thị trấn Cam Lộ lên nơi an toàn trong đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Bên cạnh dịch bệnh COVID-19, năm 2020 cũng chứng kiến những diễn biến bất thường của thiên tai trên cả nước với 16 loại hình khác nhau, trong đó có 13 cơn bão; 264 trận giông, lốc, mưa lớn ở 49 tỉnh, thành. Dù đã nỗ lực hết sức để phòng, chống, song thiên tai vẫn để lại thiệt hại rất nặng nề. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính chung năm 2020, thiên tai đã làm 291 người chết, 64 người mất tích. Trong đó, số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất 132 người, lũ 108 người. Thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 35.000 tỷ đồng…

Hạn mặn kéo dài từ cuối năm 2019 đến tháng 6-2020, ảnh hưởng 10 trên tổng số 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành đợt hạn mặn "nghiêm trọng nhất trong lịch sử", vượt xa năm 2016 (được cho là 100 năm mới lặp lại) về quy mô ảnh hưởng và mức độ thiệt hại. Hơn 96.000 hộ dân chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Trên 40.000 héc ta lúa Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại... Dự báo trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra khốc liệt, trên diện rộng, ngay từ cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm vào cuộc từ rất sớm ứng phó với hạn hán cho nên đã giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Hạn mặn chưa qua, lũ lụt đã đến. Chỉ trong vòng hơn một tháng từ 11-10 đến 15-11-2020, 8 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn đã đổ vào miền Trung. Bảy tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam ngập lụt kéo dài 15 ngày, cao điểm có đến trên 317.000 hộ, 1,2 triệu người bị ảnh hưởng. Thiên tai nối tiếp thiên tai, hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng đã gây nên những thiệt hại to lớn về người. 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên Huế bị vùi lấp; 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đường cứu hộ công nhân thủy điện; 22 quân nhân Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 Quảng Trị bị đất đá vùi lấp; 25 người chết, 15 người mất tích do sạt lở tại Quảng Nam...

Qua thiên tai, bão lũ, tình đoàn kết toàn dân tộc, nghĩa đồng bào, đồng chí, tương thân tương ái được phát huy. Hậu quả nặng nề của thiên tai được khắc phục toàn diện và đồng bộ. Tính đến cuối tháng 11-2020, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật là trên 350 tỷ đồng. Trong đó Mặt trận đã phân bổ trên 325 tỷ đồng đến bà con các tỉnh vùng lũ...

Công cuộc chống tham nhũng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh

Tham nhũng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm” - khó phát hiện, khó trừ bỏ nên cần tích cực đấu tranh phòng, chống. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với mong muốn và quyết tâm tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khoá XI (tháng 5-2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được quốc tế ghi nhận.

Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên; trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị) bị xử lý kỷ luật. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng nhằm loại bỏ "sâu mọt", “cắt cây, tỉa cành”; “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 (ngày 12-12-2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chúng ta có thể khẳng định rằng chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới

Chú thích ảnh

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến cho hàng loạt nền kinh tế suy thoái thì GDP của Việt Nam vẫn tăng 2,91%. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng nhận định Việt Nam là điểm sáng của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng cao nhất khu vực.

Cụ thể, năm 2020 tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,91%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,4%; số doanh nghiệp thành lập mới là 134.940 doanh nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6%; vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 5,7%. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%; ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD - mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Thành công này có được nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, linh hoạt của Đảng, Chính phủ và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi thương mại toàn cầu

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam khi lần đầu tiên, nước ta cùng đảm nhận ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, và Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Với sự sáng tạo, chủ động thích ứng, Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc tế của mình. Dù hầu hết các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến và bán trực tuyến nhưng đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Dưới sự chèo lái của Việt Nam theo chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã ứng phó tốt với đại dịch, đồng thời đảm bảo thực hiện các ưu tiên đặt ra cho năm 2020, về cả phát triển nội khối và đối ngoại, cũng như tầm nhìn phục hồi và phát triển hậu COVID-19.

Và với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, các Nghị quyết được thông qua và các cuộc trao đổi tại AIPA 41 đã nêu bật vai trò quan trọng của Nghị viện tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết để bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng và bền vững, vì lợi ích của mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN.

Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc thảo luận giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong đó có sự tham gia của Tổng Thư ký ASEAN. Việt Nam đã hoàn thành tốt các cam kết, hoàn thành tốt trách nhiệm tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2 năm trên cương vị Ủy viên không thường trực.

Năm 2020 cũng là một năm Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, đặc biệt với dấu ấn về Hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây được xem là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2020 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như "đường cao tốc" nối liền Việt Nam và châu Âu.

Cũng trong năm 2020, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch. RCEP có nhiều ý nghĩa, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Và mới đây nhất, Hiệp định thương mại tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA) cũng đã được ký kết tối 29-12-2020 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 31-12-2020. Việc tham gia ngày càng nhiều FTA không chỉ cho thấy quyết tâm hội nhập sâu rộng của Việt Nam mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thiện thể chế.

Khép lại một năm đầy biến động, Việt Nam có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được. Đây cũng là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên phía trước, đi đến tương lai.

Theo MINH DUYÊN (Báo Tin Tức)