Kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đề thi đánh giá tư duy giảm độ khó
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi tư duy năm 2023 có những điều chỉnh theo hướng thuận lợi trong quá trình làm bài cho thí sinh.
Cụ thể, nội dung bài thi dự kiến được điều chỉnh gọn nhẹ hơn. Thời gian làm bài rút ngắn từ 270 phút xuống còn 150 phút (bao gồm 60 phút ở phần thi tư duy toán học, 30 phút ở phần thi tư duy đọc hiểu và 60 phút ở phần thi tư duy giải quyết vấn đề).
Trước ý kiến lo ngại chất lượng thí sinh giảm khi kỳ thi bỏ phần thi tự luận, PGS.TS Nguyễn Phong Điền khẳng định, để giữ được yếu tố tự luận trong bài vẫn có các câu hỏi đánh giá tư duy. Các câu hỏi đánh giá tư duy được thiết kế theo bốn dạng trắc nghiệm, gồm chọn đáp án, trả lời đúng - sai.
Năm 2023, kỳ thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả đánh giá tư duy cũng mở rộng hơn năm 2022, bao gồm Khoa học công nghệ, Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghiệp, Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng và Y Dược.
Cuối tháng 1/2023, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ hoàn thành các tài liệu, nội dung về ví dụ minh họa câu hỏi thi. Tháng 2/2023, nhà trường sẽ hỗ trợ thí sinh củng cố kiến thức, ôn thi và thi thử trên các nền tảng số, thông qua bộ câu hỏi thi thử nghiệm. Đến tháng 3/2023, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến công bố đề thi đánh giá tư duy mẫu. Sau đó 1 tháng, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi thử và thí sinh có thể tham gia thi tại nhà qua máy tính.
Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 dự kiến tổ chức thành 3 đợt. Trong đó, 2 đợt thi đầu sẽ tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 5 và tháng 6/2023). Một đợt thi sẽ tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 7/2023).
Tăng lệ phí thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo quy chế mới của Đại học Quốc gia Hà Nội thì kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 có những điểm đáng chú ý như sau:
Lệ phí thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay là 500.000 đồng/lượt, tăng 66% so với năm ngoái.
Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần cách nhau tối thiểu 28 ngày. Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả đăng ký dự thi, kết quả đã thi hoặc hồ sơ đăng ký các ca chưa thi.
Năm nay, hệ thống đăng ký thi của nhà trường được nâng cấp cả về đường truyền, máy chủ và bảo mật an toàn. Thí sinh chỉ thao tác được trên một thiết bị (máy tính) để đăng nhập tài khoản chọn ca thi và thanh toán lệ phí. Thông tin cá nhân cần chuẩn bị: điểm học tập của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12), số và ảnh căn cước công dân, ảnh chân dung thí sinh, thông tin liên lạc để gửi phiếu báo điểm.
Thí sinh cần lưu ý, sau khi hoàn thành các thủ tục đăng ký và chọn đợt thi phù hợp, sẽ phải nộp lệ phí trực tuyến trong 96 giờ. Lệ phí đăng ký dự thi và thi sẽ không được hoàn lại. Do số chỗ đăng ký dự thi được xác định trước nên việc thí sinh hủy ca thi cũng sẽ không được hoàn lại lệ phí.
Đại học Quốc gia Hà Nội đang lên kế hoạch chi tiết tổ chức 8 đợt thi từ ngày 10/3 đến hết 4/6. Các ngày thi chủ yếu diễn ra vào cuối tuần. Thí sinh đăng ký thi từ ngày 6/2 cho các đợt thi tháng 3 - 4, đăng ký từ 18/3 cho các đợt thi tháng 5 - 6.
Ca thi chỉ đóng khi hết chỗ đã đăng ký hoặc tối thiểu trước 14 ngày thi chính thức. Các thông tin dự thi, giấy báo dự thi đều được gửi qua email cho thí sinh trước 7 ngày thi hoặc tra cứu tại trang web của nhà trường.
Đề cương đề thi đánh giá năng lực năm 2023 sẽ được ĐH Quốc gia Hà Nội công bố cho thí sinh trước khi kỳ thi tổ chức ít nhất 30 ngày. Thí sinh sẽ thực hiện bài thi trực tiếp trên máy tính. Bài thi chính thức có thể xuất hiện câu hỏi thử nghiệm không tính điểm thi với số lượng không vượt quá 4% tổng số câu hỏi của bài thi chính thức.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Từ năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập để xét tuyển đại học hệ chính quy, nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của thí sinh. Kỳ thi này vừa dùng để xét tuyển thí sinh vào các ngành đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vừa cung cấp kết quả để các trường đại học khác xét tuyển nếu có nhu cầu.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông tin nội dung các bài thi của kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi THPT là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Thí sinh sẽ làm bài thi trực tiếp trên giấy. Thời gian trả lời câu hỏi ở mỗi bài thi là từ 60 đến 90 phút. Đề thi kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức nền tảng, cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Dự kiến, trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thành một hoặc 2 đợt vào cuối tháng 4 và cuối tháng 5/2023. Mỗi đợt thi sẽ tổ chức gọn, nhẹ trong một ngày tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi ở miền Trung, miền Nam (trong trường hợp có nhiều thí sinh ở miền Trung, miền Nam đăng ký dự thi).
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh theo hướng ổn định
Năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững.
Theo đó, các điểm thi năm 2023 sẽ tiếp tục giữ nguyên như năm 2022 là 17 địa điểm tại các tỉnh, thành phố bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Ngoài ra, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến mở rộng thêm địa điểm thi tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2023, kỳ thi này tiếp tục tổ chức thành 2 đợt. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thông tin đợt thi 1 sẽ tổ chức vào ngày 26/3/2023, đợt 2 tổ chức ngày 28/5/2023. Cổng đăng ký dự thi đợt 1 sẽ được trường mở vào ngày 1/2/2023.
Theo Báo Tin Tức