Ca mổ thành công đã khiến bệnh nhân xúc động, hạnh phúc vô cùng vì sau 2 năm gần như đã bị "câm lặng" không thể cất tiếng nói nay đã có thể phát ra tiếng nói để hòa nhập cuộc sống bình thường.
Chia sẻ về ca bệnh trên, PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy-GĐ BV Tai mũi họng TP HCM cũng cho biết, đây cũng là ca bệnh bị đứt khí quản phức tạp được phẫu thuật bằng phương pháp trên và thành công ngoạn mục.
Cách đây 2 năm, bệnh nhân trên ngụ tại Campuchia khi đang chạy xe máy chở hàng thuê, do khi chạy xe vào sáng sớm, trời còn nhá nhem nên anh đã không nhìn thấy có dây điện chăng ngang đường. Đoạn dây chăng ngang đường này đã "chặn" ngang cổ khiến anh ngã xuống bất tỉnh và được đưa vào BV tại địa phương.
Tại đây, bác sĩ Campuchia đã mở nội khí quản và tạo một lỗ nối ống canula để bệnh nhân thở qua đường này. Tuy nhiên gần đây, bệnh nhân thường xuyên bị khó thở, đồng thời việc thở qua ống Canula khiến bệnh nhân hay bị bệnh về đường hô hấp, viêm phổi....
Thông qua một người dân Việt Nam bệnh nhân quen tại vùng An Giang đã chỉ dẫn cho bệnh nhân tìm đường tới BV Tai mũi họng TP HCM nhờ xử trí.
Nam bệnh nhân sau ca mổ đã nở lại nụ cười sung sướng và hạnh phúc sau 2 năm bị "tắt tiếng".
PGSTS Trần Phan Chung Thủy và ê kíp các bác sĩ BV Tai mũi họng đã thực hiện ca phẫu thuật xử trí tổn thương "sẹo hẹp khí quản độ 4" bằng phương pháp "cắt nối khí quản tận-tận" cho nam bệnh nhân.
Chỉ sau ngày thứ 2 ca mổ, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, ngày thứ 3 rút ống dẫn lưu, và ngày thứ 7 đã được rút ống nuôi ăn. Kiểm tra nội soi thanh khí quản gần đây nhất đều cho kết quả tốt, sự di chuyển của dây thanh và miệng nối khí quản trở lại bình thường.
Cùng với việc chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt, bệnh nhân được lãnh đạo BV cử riêng một bác sĩ chăm sóc về "âm ngữ trị liệu" với việc tập luyện, tập nói lại do trong suốt 2 năm sau tai nạn đã bị lãng quên.
Hiện tại bệnh nhân này đã ăn, uống bằng đường miệng trở lại bình thường, đặc biệt là đã phát âm, nói lại được dù chưa nói to được như bình thường nhưng giọng nói tưởng chừng như mất hẳn đã trở lại.
Theo PGS.TS.BS Phan Chung Thủy, khoảng 6 tháng sau với việc tái khám tại BV Tai mũi họng để theo dõi và được trị liệu thường xuyên về âm ngữ giọng nói bệnh nhân sẽ trở lại bình thường dù việc này rất khó khăn cho các bác sĩ vì bệnh nhân không biết tiếng Việt cũng không giao tiếp bằng được tiếng Anh mà phải nhờ người quen ở An Giang đi cùng để phiên dịch.
Theo H. NGA (CAND)