Nắm gạo tình thương

31/05/2020 - 20:32

 - Luôn tâm niệm “1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no”, những năm qua, hoạt động của Tổ nắm gạo tình thương ấp Bình Phú I (xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) như cầu nối giữa những tấm lòng thiện nguyện của nhà hảo tâm đối với người nghèo, cận nghèo, người neo đơn.

Mô hình Tổ nắm gạo tình thương được hình thành từ năm 2014. Ông Mai Văn An (người khởi xướng mô hình) cho biết, trước đây, ông có dịp tham quan mô hình tương tự ở TP. Châu Đốc. Thấy đây là mô hình mang lại ý nghĩa thiết thực cho người dân, ông đề xuất thành lập Tổ nắm gạo tình thương với những người bạn cùng chí hướng và được mọi người nhiệt tình hưởng ứng.

“Mô hình Tổ nắm gạo tình thương hoạt động theo tinh thần tự giác. Sau khi vận động, chúng tôi đặt những thùng gạo ở nhà người dân. “Của ít lòng nhiều”, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình mà quyên góp gạo với số lượng khác nhau. Tất cả đều có mục tiêu là góp một phần sức của mình để giúp đỡ, hỗ trợ những người gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống”- ông An chia sẻ.

Thành thông lệ, cứ vào ngày rằm hàng tháng, các thành viên trong tổ đến từng nhà để nhận số gạo quyên góp được và phát cho những hộ thật sự cần. Với hình thức hoạt động công khai nên người dân tin tưởng, đồng tâm thực hiện, đưa mô hình ngày một hiệu quả hơn.

Chú Lê Văn Bông (Tổ trưởng Tổ nắm gạo tình thương ấp Bình Phú I) thông tin: “Mỗi tháng, người dân góp từ 700-900kg gạo. Đặc biệt, những tháng có ngày rằm lớn như: tháng giêng, tháng 7, tháng 10, tổ quyên góp trên 1 tấn gạo. Số gạo này được phân phát cho người nghèo, người cận nghèo, neo đơn trong xã với số lượng 10kg/người/tháng”.

Tổ nắm gạo tình thương ấp Bình Phú I là cầu nối giữa những nhà hảo tâm với những người gặp khó khăn

Hiện nay, tổ có 6 thành viên. Các thành viên trong tổ đa phần là những lão nông, đam mê công tác từ thiện. Chú Trần Phúc Hiền (thành viên Tổ nắm gạo tình thương) cho biết, trước đây kinh tế gia đình chú gặp nhiều khó khăn, phải làm thuê, mướn để kiếm sống. Khi địa phương thành lập tổ, nhận thấy đây là mô hình có ý nghĩa nên chú nhiệt tình tham gia.

Chú Hiền chia sẻ: "Trong những chuyến trao tặng gạo cho bà con nghèo, thấy niềm vui, niềm hạnh phúc của họ, tôi càng thấu hiểu thêm ý nghĩa nhân đạo của mô hình. Đây là động lực lớn để tôi tiếp tục tham gia, cống hiến cho đến nay”. Ngoài hoạt động trong Tổ nắm gạo tình thương, các thành viên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện như: sửa chữa cầu, đường nông thôn; cất mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo… trong và ngoài xã.

Hơn 6 năm qua, Tổ nắm gạo tình thương như sợi dây nối liền những tấm lòng thiện nguyện của các nhà hảo tâm với những người đang gặp khó khăn. Ngoài ra, còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm giữa người dân trong ấp với nhau. Những “Nắm gạo tình thương" tuy số lượng không lớn, nhưng trở nên rất quý giá đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mang lại sự no ấm cho nhiều hoàn cảnh túng thiếu.

Ông Mai Văn Hộ (83 tuổi, ngụ ấp Bình Phú I) bộc bạch: “Hoàn cảnh tôi vô cùng khó khăn. Bản thân không có ruộng đất, tuổi già, bệnh tật lại không có nghề nghiệp nên chỉ dựa vào trợ cấp hàng tháng của địa phương. Được hỗ trợ gạo, tôi cảm động lắm. Nhờ sự hỗ trợ này đã giúp tôi quên đi nỗi đau về bệnh tật. Tôi rất biết ơn chính quyền địa phương, các anh em trong tổ, cùng người dân đã giúp đỡ tôi thời gian qua”.

Với những việc làm thiết thực đó, Tổ nắm gạo tình thương đã đóng góp một phần công sức vào công an tác an sinh xã hội, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Hòa Phan Văn Tống nhận định, mô hình nắm gạo tình thương đã nhận được sự đồng tình, thu hút nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên, cũng như đột xuất cho các địa chỉ nhân đạo, những gia đình khó khăn. Mô hình này đã hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xã. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

"Ngoài Tổ Nắm gạo tình thương ấp Bình Phú I, xã Bình Hòa còn có thêm 2 tổ ở ấp Bình Phú II và Bình Hòa 1. Các Tổ nắm gạp tình thương này hỗ trợ khoảng 2,5 - 5 tấn gạo/tháng cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn trong xã. Qua đó, đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương" - Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Hòa Phan Văn Tống thông tin.

ĐỨC TOÀN