Năm học mới ở miền núi

30/08/2018 - 05:45

 - Hiện nay, học sinh (HS) ở huyện miền núi Tịnh Biên đang nô nức bước vào năm học mới. Với mục tiêu giáo dục HS phát triển toàn diện và đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tịnh Biên đang nỗ lực hướng tới năm học 2018-2019 chất lượng, hiệu quả.

Với đặc thù huyện miền núi có đông dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống, ngành GD&ĐT huyện Tịnh Biên phải thực hiện các hoạt động chuyên biệt, nhằm giúp HS Khmer ở các cấp học tiếp cận tốt với tiếng Việt.

“Tất cả giáo viên luôn tìm cách truyền đạt cho HS đồng bào DTTS Khmer bằng tiếng Việt sao cho dễ hiểu nhất, cố gắng giúp các em nắm bắt và phát âm theo giọng đọc, giọng nói của giáo viên người Kinh. Các giáo viên chủ nhiệm sẽ sắp xếp HS đồng bào DTTS Khmer xen kẽ với HS người Kinh để các em dễ trao đổi, tiếp xúc. Từ đó, tư duy HS đồng bào DTTS Khmer dần phát triển về tiếng Việt, đảm bảo được chất lượng giảng dạy trong nhà trường” - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tịnh Biên Trương Chính Văn cho biết.

Năm học 2017-2018, Tịnh Biên đã thực hiện chương trình song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ ở Trường Tiểu học “D” An Cư và Trường Tiểu học Văn Giáo. Toàn huyện có 8 trường dạy tiếng DTTS Khmer, với 70 lớp, 1.723 HS tham gia. Các trường tiểu học vùng DT được khuyến khích phối hợp các giải pháp hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp, song ngữ với các phương pháp truyền thống, nhất là phương pháp hoạt động và phương pháp trực giác. Nhìn chung, chất lượng GD HS đồng bào DTTS Khmer tại Tịnh Biên có nhiều tiến bộ, cụ thể như các trường: Tiểu học “A” Vĩnh Trung và Tiểu học Văn Giáo. Do đó, trong năm học 2018-2019, huyện sẽ tiếp tục thực hiện công tác giảng dạy song ngữ để giúp HS đồng bào DTTS Khmer tiếp thu kiến thức tốt hơn, trở thành nguồn nhân lực hữu ích cho cộng đồng trong tương lai.

Trước thềm năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Tịnh Biên đã đưa HS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tịnh Biên về học tại cơ sở mới ở thị trấn Nhà Bàng với 100% HS ở nội trú. Đồng thời, chủ động thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất tại các điểm trường với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để phục vụ tốt công tác dạy và học tại các điểm trường. Mục tiêu của huyện là tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đầu cấp và chương trình GD hướng nghiệp trong nhà trường, kết hợp củng cố chất lượng GD phổ thông, tiếp tục duy trì chất lượng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Trong điều kiện còn khó khăn nhưng Phòng GD&ĐT huyện Tịnh Biên xác định sẽ chú trọng GD đạo đức HS kết hợp với đổi mới phương pháp dạy học. Tiếp tục triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng HS, quan tâm đến hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề thực tiễn cho HS.

“Chúng tôi yêu cầu các trường tiểu học chủ động rà soát, báo cáo Phòng GD&ĐT nhu cầu về đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng lộ trình đổi mới GD. Trước mắt, năm học 2019-2020 khối lớp 1 dạy 2 buổi/ngày và khối lớp 2, 3, 4, 5 ở những năm tiếp theo. Đặc biệt, chúng tôi phải đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Đối với cấp phổ thông, chúng tôi chủ động phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND huyện thực hiện có hiệu quả Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GD phổ thông. Đặc biệt là đổi mới nội dung, hình thức GD hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất- kinh doanh tại địa phương” - thầy Chính Văn thông tin.

Về công tác xã hội hóa GD, những ngày qua đã có nhiều nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh đến trao quà, hỗ trợ HS khó khăn trên địa bàn huyện. Đó là nguồn động viên to lớn, góp phần cùng ngành GD địa phương mang cái chữ đến với thế hệ trẻ miền núi, nhất là DTTS Khmer. Các trường đã tích cực vận động HS tham gia phong trào tặng sách, quần áo cũ để tặng lại cho các HS nghèo nhằm GD tinh thần tương thân, tương ái. Hiện nay, các đơn vị đã hoàn thiện số liệu HS nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để cung cấp cho Hội Khuyến học huyện, xã, thị trấn làm cơ sở để xem xét, cấp phát học bổng và tặng quà “Tiếp bước đến trường”. Đến nay, công tác này đã thực sự phát huy tác dụng trong việc động viên những HS có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin bước vào năm học mới.

Dự kiến, huyện Tịnh Biên sẽ huy động 26.615 HS thuộc 3 cấp học trên địa bàn đến lớp trong năm học mới. Với sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nỗ lực của ngành GD&ĐT, của các trường, Tịnh Biên đang hướng đến năm học 2018-2019 chất lượng, hiệu quả.

THANH TIẾN