Năm Sửu nói chuyện các loài trâu

14/02/2021 - 06:57

 - Trên hành tinh xanh của chúng ta đang sống, có nhiều loài trâu khác nhau, được phân biệt bằng màu sắc lông và hình dạng của cặp sừng. Trâu có mặt ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ latinh và Châu Âu.

1- Trâu nhà: có xuất xứ từ trâu rừng, được con người thuần hóa cách nay hơn 3.000 năm. Trâu nhà có tên khoa học chung là Buffalusindicus, tên tiếng Anh là Buffalo, được xếp vào loài động vật guốc chẵn, thú có móng bằng, thuộc họ nhai lại. Trâu nhà có thân dài từ 2,5-3m, cao từ 1,3-1,5m, trọng lượng từ 600-800kg. Cặp sừng cong trên đầu trâu, loại sừng rỗng, được sử dụng để mở đường qua các tầng cây thấp hoặc dùng đào đất lên thành các hố bùn để tắm, dầm mình. Mỗi chiếc sừng trâu nhà dài từ 60-120cm, khoảng cách giữa 2 sừng là 50-90cm. Khi được 3 tuổi, trâu nhà đẻ lứa đầu, mỗi lứa chỉ đẻ 1 con. Trong suốt cả một đời, trâu nhà có thể đẻ từ 5- 6 lứa.

 2- Trâu rừng: tên khoa học là Bubalus bubalis, thân dài 3-3,5m, cao từ 1,5-1,8m, trọng lượng từ 800-1.000kg. Sừng trâu rừng dài khoảng 190cm, cong. Chúng thường đi ăn từng bầy. Bình thường, trâu rừng hiền lành, nhưng khi gặp kẻ thù chúng sẽ trở nên hung tợn. Trong thiên nhiên, chẳng có loài thú nào dám tấn công trâu rừng, kể cả hổ báo cũng phải kiêng dè. Trâu rừng sinh sản vào mùa hè, trâu cái mang thai khoảng 10-11 tháng, đẻ mỗi lứa 1 con, hiếm khi đẻ 2 con. Hiện nay, trâu rừng còn sót lại rất ít ở vùng Tây Nguyên nước ta và vùng rừng rậm ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ...

3- Trâu nước: tên khoa học là Bubalus arnee, tên tiếng Anh: Water Buffalo, còn được gọi là Trâu Arni, thân hình dài từ 2,5-3m, cao 1,5-1,8m ở tầm vai, trọng lượng tới 1.000kg. Hình vòng cung của cặp sừng trâu nước được xem là lớn nhất trong tất cả các loài trâu và bò khác, rất dễ bị nhầm lẫn với loài trâu nhà, nếu như không lưu ý đến những đặc điểm riêng của chúng. Trâu nước có ở Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Nam Á, Châu Âu, Châu Phi, Hawaii, Trung và Nam Mỹ, Australia. Trâu nước sống thành đàn ở các lứa cỡ khác nhau. Vào mùa sinh sản, con đực tách riêng một vài con cái khỏi đàn, rồi lập ra các “khuê phòng” của riêng chúng. Mỗi con trâu nước cái sinh 1 hay 2 con nghé sau thời kỳ mang thai 10 tháng. Trâu nước sống khoảng 18 năm. Ước lượng số trâu nước nuôi trong nhà ở Ấn Độ và Đông Nam Á hiện nay khoảng 75 triệu con.

4- Trâu Châu Phi: tên khoa học là Synceros caffer, tên tiếng Anh là African Buffalo, kích thước thân hình dài từ 2,1-3m, sống chủ yếu ở khu vực Châu Phi và miền Nam của sa mạc Sahara. Có 2 chủng loại trâu Châu Phi: loài nhỏ hơn là trâu đỏ có tên khoa học là Synceros nanus, chỉ sống ở trong rừng, rất hiếm; loài Synceros caffer, đang được mô tả ở đây, là loài trâu sống ở vùng đồng cỏ không cây cối và một số vùng quê hiu quạnh. Loài trâu này là một  “chiến binh” đáng sợ, đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể tấn công mà không chờ bị khiêu khích.

 H.D (Tổng hợp)