Truyền thông nâng cao chất lượng dân số - kế hoạch hóa gia đình
Mức giảm sinh của tỉnh đạt kế hoạch đề ra. Quy mô dân số trong năm 2022 trên 1.913.000 người. An Giang là tỉnh có quy mô dân số lớn, đứng hàng thứ 8 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước và là tỉnh đông dân nhất khu vực ĐBSCL. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thời gian qua đạt dưới 2 con (dưới mức sinh thay thế). Nhận thức của cả hệ thống chính trị, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân số - KHHGĐ có nhiều chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về dân số cơ bản đạt kế hoạch giao; vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng cải thiện.
“Chất lượng dân số ngày được nâng cao, mô hình gia đình 2 con được đa số người dân chấp nhận. Những kết quả đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân” - TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế nhận định.
Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều cho biết: “Công tác dân số - KHHGĐ tại TP. Long Xuyên trải qua hơn 61 năm triển khai thực hiện, có những lúc thăng trầm khi bộ máy tổ chức hết chia tách rồi sáp nhập. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ và có lúc quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo, cùng hệ thống giải pháp cụ thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác dân số - KHHGĐ đạt nhiều thành tựu. Nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ về quy mô gia đình ít con có chuyển biến rõ rệt. Số sinh và số người sinh con thứ 3 trở lên hàng năm giảm dần. Số phường, xã không có người sinh con thứ 3 trở lên ngày càng nhiều.
Quy mô dân số năm 2022 ước tính 272.709 người, mật độ dân số 2.372 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 0,93%. Số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,94 con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 6,33%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng 73%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống 8,83% (cân nặng). Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình 74,5 tuổi”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức và bất cập. An Giang có quy mô dân số lớn, nên mức tăng dân số hàng năm còn cao. Mức sinh giảm, nhưng còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, khu vực; mất cân bằng giới tính khi sinh được kiểm soát nhưng còn cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cao; tử vong bà mẹ, trẻ em và số trẻ sinh bị khuyết tật hàng năm vẫn còn; tuổi thọ bình quân tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; nguy cơ già hóa dân số nhanh...
Là trung tâm đô thị, TP. Long Xuyên đang đối mặt với những khó khăn, thách thức: Quy mô dân số lớn, luôn có sự biến động, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy giảm, song vẫn có nguy cơ, chất lượng dân số còn nhiều bất cập; tốc độ già hóa dân số tăng nhanh (Long Xuyên có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,39% dân số). Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhu cầu về cung cấp phương tiện, dịch vụ KHHGĐ ngày càng lớn, nhiều vấn đề sức khỏe sinh sản cần tiếp tục giải quyết...
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh, TS.BS Trần Quang Hiền đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho công tác dân số - KHHGĐ, khắc phục tư tưởng buông lỏng lãnh, chỉ đạo. Xác định sâu sắc quan điểm “Công tác dân số - KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là lĩnh vực vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài”. Từ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc chính sách dân số trong tình hình mới.
Đối với ngành y tế - dân số, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh, chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; kiềm chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục phù hợp hơn từng nhóm đối tượng, các vùng, khu vực.
Qua đó, cung cấp thông tin, kiến thức đến từng gia đình, từng người dân, nhất là địa bàn nông thôn, người dân tộc và người dân nghèo bằng nhiều hình thức, đa dạng, phù hợp nhu cầu, trình độ nhận thức, làm chuyển biến về nhận thức, chuyển đổi hành vi người dân chấp nhận và tự nguyện thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để chăm sóc, nuôi dạy tốt.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở có đủ năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định quy mô dân số, duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực.
HẠNH CHÂU