Nâng cao đời sống văn hóa Nhân dân

04/10/2023 - 06:10

 - Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, đóng tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang Trương Bá Trạng cho biết: “Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, ngành triển khai thực hiện gắn với các phong trào thi đua yêu nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh ngày càng phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng xã NTM, giúp diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc.

Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Ban Chỉ đạo phong trào các cấp thực hiện với nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng đời sống văn hóa và đăng ký thực hiện các danh hiệu văn hóa tại nơi cư trú, nhất là danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, thắt chặt tình làng nghĩa xóm; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tang, cưới, lễ hội; chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Sở VH-TT&DL phối hợp các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước, lễ hội truyền thống tại địa phương. Phong trào thể dục - thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng trong toàn tỉnh, với sự phát triển đa dạng của các loại hình tập luyện. Công tác gia đình được quan tâm thực hiện thông qua các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.

“Các hoạt động được nâng chất về nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của Nhân dân” - ông Trương Bá Trạng chia sẻ.

Nhiều lễ hội dân gian hàng năm ở các địa phương được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội, mang đậm sắc thái vùng miền, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, Ngày hội VH-TT&DL đồng bào dân tộc Khmer và Chăm được tổ chức định kỳ luân phiên hàng năm, trở thành dịp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thông qua các ngày hội, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đem lại kết quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần “Tương thân tương ái”… được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đô thị văn minh ngày càng được lan tỏa.

Xác định việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào các cấp trong tỉnh. Đồng thời, phát triển phong trào có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bình xét các danh hiệu văn hóa thực chất; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp phát triển phong trào. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe, tạo sân chơi lành mạnh cho Nhân dân…

Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã công nhận 507.165 hộ gia đình văn hóa; 879 khóm, ấp văn hóa; 87 xã đạt chuẩn xã văn hóa NTM và 27 phường, thị trấn văn minh đô thị. Ngoài ra, toàn tỉnh đã có 684 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 624 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 393 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, góp phần làm giảm các vụ bạo lực liên quan đến gia đình.

TRUNG HIẾU