Nâng cao giá trị cây thốt nốt

04/02/2020 - 03:46

 - Cây thốt nốt đã gắn liền với đời sống và người dân vùng Bảy Núi từ bao đời nay. Các sản phẩm từ cây thốt nốt giúp bà con có thêm thu nhập, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, đặc biệt với nghề nấu đường thốt nốt truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Ở nơi đó, có những con người đã và đang cố gắng giữ lấy nghề như một niềm tự hào.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã An Tức (Tri Tôn, An Giang), chị Néang Sóc Cang dành tình yêu rất lớn đối với các sản phẩm của quê mình, đặc biệt là các sản phẩm từ cây thốt nốt.

Theo chị Néang Sóc Cang cũng như nhiều bà con DTTS Khmer ở An Giang, thốt nốt là loại cây kỳ diệu, khi bông ra nước để nấu đường, còn trái non nấu canh, trái vừa ăn thì làm mứt hoặc để dùng kèm nước thốt nốt tạo nên món giải khát tuyệt vời. Chưa hết, trái thốt nốt chín là nguyên liệu chính để làm ra loại bánh bò thốt nốt thơm ngon, còn phần lá thì gói bánh rất thơm - bánh kà tum.

Các sản phẩm từ cây thốt nốt ở vùng Bảy Núi

Bản thân là người con của xứ sở đường thốt nốt, biết được chỗ làm ngon nên bạn bè, đồng nghiệp thường gửi mua giùm. Thấy mọi người có nhu cầu nhiều nên chị Néang Sóc Cang tìm nơi có nguồn hàng sạch, bao tiêu để cung cấp cho thị trường.

“Mình không phải người trực tiếp nấu đường nhưng là cầu nối giữa người thợ và khách hàng yêu thích vị đường nguyên chất, thuần túy của thốt nốt. Vì mình hiểu được để làm ra được 1kg đường thốt nốt sạch, chuẩn thiên nhiên thực sự rất cực, người làm phải chịu khó, ngoài việc để mưu sinh thì phải yêu nghề lắm mới trụ được” - chị Néang Sóc Cang giải thích.

Cái hay của chị Sóc Cang là tiếp cận được với nhiều kênh bán hàng, ngoài trang cá nhân của mình, chị lập hẳn trang trên mạng xã hội facebook với tên “Đường thốt nốt Sóc Cang” để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Mỗi thông tin trên trang, chị Sóc Cang đều có hình ảnh và clip minh họa để khách hàng có thể hiểu hơn về quy trình làm đường thốt nốt thủ công. Từ đó, mức độ tin tưởng sản phẩm được tăng cao.

Bên cạnh đó, chị còn có hẳn một gian hàng “Đường thốt nốt Sóc Cang” trên shopee để giao dịch với người tiêu dùng. Chưa hết, chị còn kết hợp kinh doanh với những người bán đặc sản khác để có thể đưa đường thốt nốt, mứt thốt nốt góp mặt trong những giỏ quà Tết...

“Bản thân mình bán rất nhiều món đặc sản (khô cá lóc đồng, khô bò viên, cà phê rang mộc...) nhưng đường nốt nốt chính là niềm tự hào và là tình yêu mình dành riêng cho đặc sản quê hương” - chị Néang Sóc Cang chia sẻ.

 Thực tế, khách hàng hoàn toàn có quyền lựa chọn nguồn hàng phù hợp cho mình, chỉ cần gõ từ khóa đường thốt nốt trên shopee sẽ thấy rất nhiều giá, nhưng chất lượng khó lòng đảm bảo. Thấy bà con làm đường thốt nốt thiên nhiên 100% rất cực, phải trèo lên cây ngày 2 bận để lấy nước. Nước sau khi lấy về đổ vào một nồi to, nấu từ 4-5 tiếng, phải khuấy thêm 1 tiếng nữa mới có được đường thành phẩm...

“Cực là vậy, mà thương lái thường xuyên ép giá nên mình trả giá rẻ cho bà con nữa thì bản thân không làm được”- chị Néang Sóc Cang giãi bày. Hiện tại, giá bán đường thốt nốt của chị Néang Sóc Cang là 95.000 đồng/kg, so với mặt bằng chung là khá cao, tuy nhiên lại được các khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố ở khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc ưa chuộng. Thậm chí, có khách hàng đặt đem đi nước ngoài để làm quà cho người thân.

“Khách hàng chủ yếu là khách lạ, mua riết thành quen, họ ăn ngon rồi giới thiệu cho nhiều người. Nhờ được khách hàng tin tưởng nên từ mua ăn, rồi trở thành đại lý, khách sỉ, giờ người tiêu dùng chú trọng vào độ an toàn nên không tiếc tiền mua đồ sạch”- chị Néang Sóc Cang chia sẻ.

Mỗi tháng, chị Néang Sóc Cang bán được khoảng hơn 100kg đường thốt nốt, tuy số lượng còn khiêm tốn nhưng vẫn rất vui vì sản phẩm của quê hương mình được nhiều người biết đến với đúng chuẩn “sạch, thiên nhiên”. Ngoài đường thốt nốt, chị Néang Sóc Cang còn làm thêm mứt từ trái thốt nốt, thốt nốt rim...

Trên mỗi bài viết của mình, chị Néang Sóc Cang thường hay hướng dẫn các món ăn ngon có thể làm từ đường thốt nốt, từ món mặn như: thịt kho, thịt ram tép cho đến các món ngọt như: nấu chè, làm bánh bò, trà sữa... Nhờ những người tâm huyết với nghề truyền thống mà có thêm nhiều khách hàng gần xa được sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn từ cây thốt nốt.

ÁNH NGUYÊN