Nâng cao giá trị sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt

09/11/2020 - 07:11

 - Sau 3 năm triển khai, dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer tỉnh An Giang” đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người dân sản xuất đường thốt nốt nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào DTTS Khmer tỉnh An Giang” do Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (AsiaDHRRA) tài trợ, được triển khai từ tháng 7-2017 tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Đến nay, đã có 11 dự án hỗ trợ, gồm: Châu Lăng, Lương Phi, Ô Lâm, Núi Tô, Lê Trì (Tri Tôn) và An Phú, Nhơn Hưng, Vĩnh Trung, Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi (Tịnh Biên). Bên cạnh đó, còn hỗ trợ tập huấn cho 200 hộ; giải quyết việc làm cho 600 lao động là đồng bào DTTS Khmer.

Một trong những thành công của dự án là đưa ra ý tưởng thiết kế máy đánh đường và đưa vào sử dụng thay cho phương pháp đánh tay truyền thống. Nếu như trước đây, khi nấu đường xong các hộ sản xuất phải dùng dụng cụ cầm tay để đánh, mất nhiều thời gian và công sức. Khi được trang bị máy đánh đường sử dụng mô-tơ điện đã giúp các hộ dân rút ngắn thời gian. Bình quân 1 tháng sẽ tiết kiệm 15 ngày công lao động. Đến nay, đã hỗ trợ 102 máy đánh đường thốt nốt cho các hộ sản xuất - kinh doanh (SXKD).

Hỗ trợ máy đánh đường cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Ngoài hỗ trợ máy móc, tham gia dự án, các hộ SXKD còn được tập huấn về sản xuất và chế biến đường thốt nốt. Từ đó giúp họ trang bị thêm kiến thức về sản xuất ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ chế biến, bảo quản đến sử dụng dụng cụ… góp phần nâng cao giá trị đường thốt nốt. Nếu như trước đây, đường thốt nốt được bán với giá từ 18.000-20.000 đồng/kg, thì hiện nay, giá đường đã được nâng lên từ 22.000-25.000 đồng/kg, nhiều hộ còn bán được với giá 45.000 đồng/kg. Tính bình quân mỗi hộ sản xuất 20kg đường/ngày thì có thêm 40.000-100.000 đồng/ngày, tăng thu nhập từ 1,2-3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn đã giúp các hộ dân đồng bào DTTS Khmer mạnh dạn hơn trong giao tiếp, không còn rụt rè như lúc ban đầu.

Việc đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, logo cho sản phẩm đường thốt nốt được quan tâm hỗ trợ và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cho phép sử dụng. Đây là kết quả quan trọng của dự án vì khi có nhãn hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ thì đường thốt nốt Bảy Núi sẽ dễ dàng thâm nhập vào các siêu thị, điểm dừng chân trong và ngoài tỉnh, giúp sản phẩm đặc thù của An Giang được nhiều người biết đến. Từ đó, giúp sản phẩm bán ra nhiều hơn, giá cao hơn, thu nhập của các hộ sản xuất được nâng lên đáng kể, đời sống của người dân ngày càng cải thiện.

Điểm dừng chân tại xã Lương Phi (Tri Tôn)

Bên cạnh đó, việc lắp đặt các bảng chỉ dẫn làng nghề, bảng quảng cáo sản phẩm làng nghề đã góp phần giới thiệu các sản phẩm đặc sản đường thốt nốt và nghề truyền thống của các hộ dân đồng bào DTTS Khmer. Đến nay, đã hỗ trợ xây dựng 2 điểm dừng chân tại xã Ô Lâm và xã Lương Phi của huyện Tri Tôn. Việc này sẽ góp phần tăng cường quảng bá và đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm đường thốt nốt đến với khách tham quan du lịch về sản phẩm truyền thống của người Khmer. Theo chị Lê Thị Thủy (điểm dừng chân xã Lương Phi, Tri Tôn), điểm dừng chân sẽ là đầu mối tiêu thụ sản phẩm của các thành viên trong dự án, đồng thời du khách tham quan điểm dừng chân sẽ được giới thiệu các sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS Khmer từ đường thốt nốt các loại như: đường chảy, đường viên, đường bột, nước thốt nốt, nước màu thốt nốt; bánh bò thốt nốt...

Ngoài ra, dự án đã tổ chức các buổi học tập kinh nghiệm, hỗ trợ tham quan giới thiệu sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ đường thốt nốt… Nhìn chung, 3 năm thực hiện dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào DTTS Khmer tỉnh An Giang” đã tác động tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc sản    uất ra các sản phẩm an toàn và chất lượng. Đặc biệt là đời sống của các hộ dân tham gia dự án được cải thiện.

ĐỨC TOÀN