Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, “Một số vấn đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật xuất bản mới đây, nền tảng tư tưởng của Đảng là một bộ phận quan trọng cấu thành đời sống chính trị, tinh thần, nhân tố cơ bản, cốt lõi tạo cơ sở, tiền đề quyết định mọi hoạt động xây dựng, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng.
Một khi nền tảng tư tưởng của Đảng thay đổi, tất yếu dẫn tới sự thay đổi về mục tiêu, lý tưởng, nguyên tắc tổ chức, phương hướng hoạt động chính trị. Chia sẻ thêm về vấn đề này, tọa đàm khoa học cấp tỉnh với chủ đề “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh An Giang” được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức.
TS. Lê Quang Vinh, Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng cho biết, Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) xác định, nền tảng tư tưởng của Đảng là: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng. Là đường lối, cương lĩnh của Đảng, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam qua hơn 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và phát triển. Chính sách, pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Những giá trị truyền thống văn hóa, tinh thần tốt đẹp của dân tộc, nền tảng tinh thần tốt đẹp được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Nền tảng tư tưởng của Đảng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước theo định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay bởi những giá trị cốt lõi của nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - thế giới quan và phương pháp luận khoa học đúng đắn để nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn nên Đảng xác định đó là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam. Đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là công cụ chính trị - pháp luật để lãnh đạo, quản lý mọi hoạt động của đời sống xã hội, giúp cho đất nước phát triển theo những định hướng đúng đắn với cơ chế, chính sách phù hợp.
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đào tạo cán bộ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
“Mỗi khía cạnh của nền tảng tư tưởng của Đảng tuy có vai trò khác nhau nhưng cùng góp phần làm nên giá trị tư tưởng - văn hóa - tinh thần của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Nó là sức mạnh nội sinh của dân tộc, là cội nguồn của những thắng lợi mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được trong hơn 94 năm qua” - TS. Lê Quang Vinh khẳng định.
Tại tọa đàm khoa học, những phát biểu, tham luận đều khẳng định, các thế lực thù địch đến nay vẫn đang tiếp tục ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Các quan điểm sai trái, thù địch được nhận diện, như: Cố tình xuyên tạc, hạ thấp vai trò của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền rằng tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen cách nay trên 150 năm, của V.I.Lê-nin cách nay trên 100 năm, thời gian đã quá xa, những tư tưởng này không còn phù hợp để lý giải một xã hội phát triển như hiện nay. Hơn nữa, họ còn cho rằng cả C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin đều xuất phát từ bối cảnh lịch sử của phương Tây. Do đó, không thể hiểu và không thể giải quyết vấn đề của phương Đông, đặc biệt là của Việt Nam. Lập luận này sai về cả logic lẫn lịch sử.
Thực tiễn cho thấy, không phải cứ thời gian càng trôi xa thì học thuyết, tư tưởng càng mất đi giá trị. Có những học thuyết, tư tưởng càng qua thời gian càng khẳng định giá trị của mình. Tri thức khoa học xã hội và Nhân dân mang đặc trưng tích lũy, chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật, công nghệ, vì thế có những học thuyết tồn tại hàng ngàn năm vẫn còn giá trị.
Các thế lực thù địch tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh và các lão thành cách mạng với hai thái cực khác nhau. Một là, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ nhắc lại tư tưởng của C. Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin và các nhà tư tưởng vĩ đại khác, chứ không có tư tưởng của riêng mình hoặc tư tưởng không trở thành một hệ thống. Hai là, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, chứ không theo chủ nghĩa cộng sản.
Cả hai quan niệm này đều sai, vì tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện lịch sử Việt Nam. Người đã kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tư tưởng truyền thống dân tộc và các giá trị tinh hoa nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Hồ Chí Minh không phải là những luận điểm sáo rỗng, giáo điều mà đã chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, thực tiễn, trực tiếp chỉ đạo thành công cách mạng Việt Nam.
Trên đây là 2 trong 6 nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch mà các thế lực thù địch ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Là cán bộ, đảng viên, Nhân dân, chúng ta hãy cùng nhau nâng cao nhận thức để tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, diễn biến của các thế lực thù địch, giữ gìn nền độc lập dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã dày công xây dựng.
MINH HIỂN