Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương chất vấn: Báo cáo 136/BC-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL đánh giá việc tổ chức hoạt động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được thường xuyên, hiệu quả, do thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, bên cạnh nâng cao số lượng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đại biểu phản ánh rất đúng. Các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì bị thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả? Bộ trưởng cũng nhận thấy được những bất cập này, đề xuất thời gian tới cần có giải pháp mang tính chất căn cơ, thuộc về thể chế.
Cụ thể, thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao thì cần được bàn rõ, liên kết cái gì để triển khai hoạt động? Vì vậy, cần phải tính toán. Bộ VH,TT&DL phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Nếu không có thiết chế văn hóa thì sẽ rất khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước, thì huy động thêm nguồn lực khác để xây dựng, trong đó có nguồn lực Nhân dân đồng thuận, điều này trở thành tài sản của Nhân dân. Có như vậy mới phát huy được tác dụng của thiết chế văn hóa ở cơ sở.
GIA KHÁNH