Nâng cao vị thế phụ nữ Việt Nam

10/03/2023 - 07:45

Mặc dù thừa nhận tỷ lệ nữ ở Việt Nam tham gia vào các vị trí chủ chốt cao hơn nhiều nước tiến bộ trên thế giới nhưng nhiều thế lực thù địch, chống phá vẫn xuyên tạc rằng, phụ nữ Việt Nam bị đối xử bất công, bị chèn ép xuống đáy xã hội. Thực tế chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia tôn trọng quyền bình đẳng giới, không ngừng dành sự quan tâm vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Gần đây, dư luận không khỏi bức xúc khi tại Mỹ diễn ra buổi hội thảo trực tuyến với đề tài “Nữ quyền dưới chế độ Cộng sản Việt Nam”, được tổ chức bởi cái gọi là “Liên minh Dân chủ Việt Nam”. Đài RFA loan tin, hội thảo thu hút sự tham gia của “những đại diện văn phòng các dân biểu Mỹ”. Núp trong vỏ bọc dân chủ, một số kẻ trắng trợn vu cáo rằng: “100 triệu người Việt Nam không hề tự do, vì Việt Nam không cho phép bầu cử tự do và công bằng. Hệ thống đóng kín này gây ra nhiều bất công với phụ nữ”.

Có diễn giả mặc dù buộc phải thừa nhận trong Quốc hội Việt Nam, hiện có 30,26% đại biểu nữ, nhiều hơn con số 10% của Nhật Bản, 19% của Hàn Quốc, 23% của Mỹ, nhưng vẫn cố suy luận: “Con số này là vô giá trị, vì các đại biểu Quốc hội của Việt Nam đều do Đảng Cộng sản chỉ định, chứ không được bầu ra một cách tự do”. Thậm chí, khi thấy “Chỉ số cách biệt giới tính về mặt kinh tế” của Việt Nam đứng thứ 31/146 quốc gia được đề cập trong nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2022, một diễn giả vẫn phản bác, cho rằng: “Phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều bất công trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp và luật bảo hiểm xã hội, thiệt thòi trong lương bổng và chịu nhiều rủi ro thất nghiệp”… Từ những suy luận vô căn cứ, họ vận động xin cấp tiền cho các tổ chức chống cộng, đòi áp dụng Đạo luật Magnitsky với Việt Nam.

Rõ ràng, những thông tin trên tại hội thảo “Nữ quyền dưới chế độ Cộng sản Việt Nam” là cố tình phớt lờ tình hình thực tế tại Việt Nam. Có thể khẳng định, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới là nhiệm vụ thường xuyên được Đảng, nhà nước ta quan tâm lãnh, chỉ đạo, bảo đảm thông qua các quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật, thể hiện trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2030… Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…”. Đây chính là cơ sở pháp lý, cụ thể hóa quyền bình đẳng giới của phụ nữ ở Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội để phụ nữ tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả vào các hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tại Việt Nam, vai trò của người phụ nữ trong đời sống chính trị ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Trung ương hiện có 18 ủy viên là nữ; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 30,26%. Trong lĩnh vực kinh tế, ngày càng có nhiều nữ doanh nhân lớn trên thương trường, nữ tỷ phú nổi danh trong nước và quốc tế. Theo thống kê đến năm 2021, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ đạt hơn 97%; tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 17,5%. Đội ngũ nữ trí thức ngày càng đông đảo, tỷ lệ nữ có học vị thạc sĩ chiếm 44,2%, có học vị tiến sĩ chiếm gần 30%. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 76,3 tuổi, cao hơn 5,3 tuổi so nam giới…
Trong Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp học, trình độ đào tạo và các cấp quản lý giáo dục nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Về phương hướng, cả nước bảo đảm các vấn đề về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân; thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục ở các vùng, miền. Từ Trung ương đến địa phương đều đề ra giải pháp tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học; tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Đến năm 2025, có 80% và đến năm 2030, có 100% công chức, viên chức làm công tác xây dựng thể chế của các đơn vị được tập huấn kiến thức về đánh giá tác động giới, lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực, ngành phụ trách…
Những kết quả trên càng khẳng định, Đảng và nhà nước Việt Nam thường xuyên quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền phụ nữ, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Đó cũng là minh chứng cho thấy những luận điệu mà các thế lực thù địch rêu rao về bảo đảm quyền phụ nữ ở Việt Nam là hoàn toàn sai trái, bịa đặt. Chúng ta cần hết sức cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn núp bóng bảo vệ quyền phụ nữ để xuyên tạc chống phá Đảng, nhà nước ta.

N.H