Nỗ lực bảo vệ
Theo công bố của UBND tỉnh, tổng diện tích đất có rừng của An Giang là 13.906,9ha, gồm 1.117,5ha rừng tự nhiên và 12.789,4ha rừng trồng. Trong đó, diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ độ che phủ toàn tỉnh là 13.007,7ha, tỷ lệ che phủ 3,68%.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa, tuy diện tích rừng của An Giang không quá lớn, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ quốc phòng - an ninh biên giới.
Dự báo trước cao điểm mùa khô 2022 - 2023 lượng mưa giảm mạnh, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt, khô hạn diễn ra mạnh mẽ hơn, nên công tác PCCCR được chủ động từ sớm, với quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; dụng cụ, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Từ tỉnh đến cấp huyện, các xã có rừng đều xây dựng, triển khai kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR; tổ chức ứng trực 24/24 giờ vào cao điểm mùa khô.
Kiểm tra dụng cụ chữa cháy rừng
Ghi nhận 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn An Giang đã xảy ra 13 vụ cháy rừng, diện tích 10,29ha. Đối với khu vực rừng đồi núi, xảy ra 10 vụ cháy, diện tích 1,36ha, thiệt hại đa phần là cây bụi, lá, dây leo… Đối với khu vực rừng đồng bằng, cháy 3 vụ, diện tích 8,93ha, trong đó có 1 vụ gây thiệt hại hoàn toàn 0,75ha rừng tràm và một số cây ăn trái (xoài, dừa, chuối) trên khu vực đê bao; 1 vụ thiệt hại 1,2ha rừng tràm tái sinh chồi và 2ha rừng tràm đến chu kỳ khai thác; 1 vụ gồm 4ha rừng tràm lớn (3 - 5 năm tuổi, gần đến chu kỳ khai thác), thiệt hại 1,5ha (giảm 50% giá trị cây tràm) và 0,5ha rừng tràm mới trồng lại sau khai thác, mức độ thiệt hại hoàn toàn.
Nguyên nhân cháy rừng do đốt tổ ong, đốt đồng, đốt dọn rác, sử dụng lửa bất cẩn… “Do có sự chủ động ngay từ đầu mùa khô, tổ chức và triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR nên các vụ cháy đều được phát hiện kịp thời, được Ban Chỉ huy chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, xã huy động lực lượng, phương tiện kịp thời cứu chữa, hạn chế thấp nhất thiệt hại rừng” - ông Hòa thông tin.
Đề cao cảnh giác, không chủ quan
An Giang đã bước vào mùa mưa, thảm thực vật trên các khu vực đồi núi trong tỉnh đã có màu xanh, nguy cơ cháy rừng giảm. Tuy nhiên, do tác động của El Nino, tình trạng nắng nóng, khô hạn tiếp tục diễn biến gay gắt, dự báo mùa khô 2023 - 2024 sẽ khắc nghiệt hơn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các khu vực rừng trọng điểm trên địa bàn tỉnh có nguy cơ dễ xảy ra cháy trong mùa khô hạn, thiếu nước, nắng nóng gay gắt kéo dài có diện tích 7.418,6ha, gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên núi và khu vực đồng bằng (TP. Châu Đốc 49,9ha, TX. Tịnh Biên 2.912ha, huyện Tri Tôn 4.406,7ha, huyện Thoại Sơn 50ha).
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để bảo vệ rừng, cần chủ động trang bị thêm dụng cụ, phương tiện chữa cháy, tích trữ nước ao, hồ trên núi, nạo vét kênh và đào hồ trữ nước, máy chữa cháy đồng bằng, dây chữa cháy đồng bằng, máy chữa cháy đeo vai, bàn đập lửa, máy bơm hút nước chữa cháy đồi núi, máy chữa cháy thả nổi, vỏ lãi composite, can nhựa đựng nước, bồn chứa nước inox, trạm bơm điện, tháp canh lửa bằng sắt, flycam phục vụ phòng cháy, làm cầu tạm bắc qua các kênh mương di chuyển tuần tra, chữa cháy rừng, phát dọn đường băng, hạ cây đổ ngã theo tuyến đường tuần tra…
Tỉnh và các địa phương chủ động bố trí dụng cụ, phương tiện tại 51 điểm trực phòng, chống cháy rừng; bố trí dụng cụ, phương tiện tại 18 điểm trực PCCCR tràm vùng đồng bằng (rừng tràm Tỉnh đội 8 điểm, rừng tràm Tân Tuyến 5 điểm, rừng tràm Bình Minh 5 điểm). Đối với diện tích rừng đồng bằng tập trung, như: Trà Sư, Nhơn Hưng, Vĩnh Châu, Bình Minh, lâm trường Tỉnh đội, Tân Tuyến, phải thực hiện duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng.
Khi có nguy cơ cháy rừng cấp IV, các hạt kiểm lâm liên huyện, trạm kiểm lâm phải thông báo ngừng một số các hoạt động trong rừng tại những khu vực rừng dễ cháy, nơi có khách du lịch thường lui tới. Đồng thời, xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm rừng dễ bị cháy để theo dõi diễn biến.
Chi cục Kiểm lâm An Giang được giao trách nhiệm hướng dẫn các chủ rừng và chủ nhận khoán rừng chấp hành đúng quy trình kỹ thuật phòng, chống cháy rừng trên địa bàn quản lý. Đối với các diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng vùng đồi núi, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng An Giang khẩn trương thực hiện phát và đốt dọn cỏ cục bộ, làm giảm vật liệu cháy trong rừng. Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực, tiếp tục duy trì hoạt động các tổ hợp tác bảo vệ rừng và vận động cộng đồng dân cư tại chỗ tham gia chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Kiểm lâm sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra, nhất là lực lượng dân quân tự vệ tại địa bàn. Các lực lượng bảo đảm thông tin liên lạc để kịp thời ứng phó với tình huống cháy xảy ra.
|
HOÀNG XUÂN