
Du khách tại Hòn Sơn, đặc khu Kiên Hải.
Vẻ đẹp đặc khu
Được mệnh danh là viên ngọc thô trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, đặc khu Thổ Châu sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, yên bình. Nơi đây có rừng nguyên sinh, hệ động, thực vật đa dạng; các bãi biển trải dài tuyệt đẹp như bãi Ngự, bãi Dong, bãi Mun, bãi Nhất cùng làn nước biển trong xanh màu ngọc bích và những rạn san hô lấp lánh dưới đáy biển, nét văn hóa bản địa đặc sắc, người dân hiền hòa, mến khách khiến du khách đến đây lưu luyến khó rời.
Đặc khu Thổ Châu có 8 đảo lớn, nhỏ. Mỗi đảo mang một vẻ đẹp khác nhau, trong đó Thổ Chu lớn có diện tích và nhiều tiềm năng nhất về phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Đến với Thổ Châu, ngoài tận hưởng không khí trong lành, du khách còn có thể trekking xuyên đảo; thuê tàu đi hòn Nhạn, hòn Cao, hòn Xanh… hoặc ra lồng bè vừa câu cá vừa tận hưởng không gian yên bình đúng điệu của xứ biển, đảo.
Đặc khu Kiên Hải có khung cảnh tuyệt đẹp của núi non và hàng chục hòn đảo lớn, nhỏ khác nhau. Hòn Sơn và Nam Du là các điểm đến nổi tiếng, được yêu thích. Các đảo ở đặc khu này sở hữu nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, hải sản phong phú, không khí trong lành... giúp Kiên Hải phát triển du lịch biển sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách.
Riêng Phú Quốc trước khi trở thành đặc khu đã là đô thị loại 1 và là thiên đường du lịch với du khách. Phú Quốc thu hút nhiều dự án đầu tư từ các tập đoàn, thương hiệu du lịch hàng đầu trong nước và thế giới như Sun Group, Vingroup, BIM Group, Marriott International, Accor, Curio Collection by Hilton… kiến tạo nên hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế trải dài từ nam đến bắc đảo.
Ngoài ra, Phú Quốc còn được định hướng và tập trung xây dựng thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hạ tầng nơi đây được đầu tư đồng bộ từ sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế… khiến Phú Quốc ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong kết nối Việt Nam với các nước khu vực ASEAN và trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.
Khơi dậy tiềm lực, vươn tầm quốc tế
Thổ Châu có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, nằm ở khu vực tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Tuy nhiên, khó khăn nhất của hòn đảo này là mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu đi về Phú Quốc. Để mở đường cho Thổ Châu phát triển, cuối tháng 12/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (nay là An Giang) đã phê duyệt chủ trương chuyển đổi, bổ sung công năng cảng Thổ Châu thành cảng thủy nội địa, giao đơn vị liên quan hoàn thiện, công bố cảng thủy nội địa theo quy định. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng giúp Thổ Châu phát triển du lịch, kết nối hiệu quả với đảo Nam Du và Phú Quốc trong tương lai.
Theo chuyên gia du lịch Phạm Công Sơn - người từng có nhiều năm làm tổng quản lý một thương hiệu du lịch nổi tiếng tại Phú Quốc, để khai thác du lịch đặc khu Thổ Châu cần định hướng theo phát triển bền vững, đặc thù và có kiểm soát nhằm giữ gìn bản sắc đảo xa, nghĩa là không nên phát triển du lịch đại trà mà cần chọn hướng đi chuyên biệt, chất lượng và kiểm soát du khách gắn với du lịch sinh thái biển, đảo, du lịch học thuật, bảo tồn, nghiên cứu biển...
Còn với đặc khu Kiên Hải, chuyên gia Phạm Công Sơn cho rằng, cần một chiến lược tổng thể từ quy hoạch đến bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường; phát triển hạ tầng kết nối, bến cảng hiện đại, số hóa các dịch vụ du lịch; thu hút đầu tư các khu nghỉ dưỡng sinh thái, homestay tiêu chuẩn; tổ chức lễ hội, chợ đêm hải sản cuối tuần, tour trải nghiệm làng chài, chương trình du lịch “sống như dân đảo”... xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Kiên Hải, quảng bá qua các nền tảng số, phối hợp với KOLs, travel bloggers và liên kết với Phú Quốc, Hà Tiên, Cần Thơ… để tạo tour liên vùng, kích cầu du lịch. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh quảng bá, kết nối với du lịch quốc tế.
Đối với Phú Quốc, ông Sơn khẳng định đặc khu này hội tụ cả ba yếu tố cốt lõi là chính sách ưu đãi, hạ tầng đồng bộ và đà tăng trưởng thực tế. Để chuẩn bị cho sự kiện APEC 2027, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai với tổng số vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đây là cú hích mạnh không chỉ giúp hạ tầng đảo ngọc được hoàn thiện mà còn mở ra dư địa tăng trưởng mạnh thời kỳ hậu APEC. Vì vậy, việc còn lại của đặc khu này là xây dựng thương hiệu đặc khu - điểm đến toàn cầu bằng cách đẩy mạnh truyền thông quốc tế, tổ chức sự kiện tầm khu vực như festival du lịch, lễ hội văn hóa biển… và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Giám đốc Sở Du lịch Bùi Quốc Thái cho rằng, du lịch Phú Quốc tạo ấn tượng đặc biệt với du khách trong và ngoài nước bằng chất lượng dịch vụ đẳng cấp. Đặc biệt, việc được chọn làm điểm đăng cai APEC 2027 là cơ hội kép để Phú Quốc phát triển lên tầm cao mới. Riêng đặc khu Kiên Hải và Thổ Châu cần có thêm các chính sách ưu đãi nhất là về thuế, chính sách đất đai, quy hoạch, visa… để thu hút đầu tư, trợ lực cho du lịch cất cánh. “Khi du lịch hai đặc khu này mạnh, chắc chắn hình thành liên kết tam giác giữa Phú Quốc, Kiên Hải (đặc biệt là Nam Du) và Thổ Châu sẽ mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách, giúp khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc…”, ông Thái nhận định.
Bài và ảnh: PHẠM HIẾU