Nâng tầm sản phẩm OCOP

16/06/2023 - 06:56

 - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai rộng rãi trên địa bàn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân. Với việc được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể tạo được uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường sản xuất - kinh doanh.

Cơ sở tàu hủ ky của ông Nhiều đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết, chờ ngày được công nhận sản phẩm OCOP

Phát triển OCOP trên tiềm năng, thế mạnh địa phương

Thời gian qua, chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Nhiều tổ chức, cá nhân chủ động tham gia với mục tiêu nâng tầm sản phẩm. Việc tham gia OCOP là cơ hội tốt để khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đây là cơ hội để các tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Gắn bó với nghề sản xuất, chế biến tàu hũ ky 33 năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, ông Đặng Văn Nhiều (sinh năm 1963, ngụ ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) cho biết: “Được địa phương tuyên truyền, vận động tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, sau những băn khoăn ban đầu, tôi đã đồng ý tham gia. Hiện, mọi thủ tục pháp lý cần thiết cho việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, tôi được địa phương hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thành”.

“Ngoài chất lượng, bao bì, nhãn hiệu cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm sản phẩm. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian cho việc lên ý tưởng, thiết kế nhãn hiệu để sản phẩm trở nên đặc trưng. Tôi mong đến ngày sản phẩm của mình chính thức công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là một chứng nhận thương hiệu quan trọng tạo điều kiện cho cơ sở trong việc mở rộng thị trường” - ông Nhiều chia sẻ.

“Sản phẩm tranh lá thốt nốt được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020. Hiện nay, sản phẩm vẫn được duy trì, phát triển sản xuất và cung cấp sản phẩm cho thị trường thường xuyên. Vừa qua, tôi được địa phương và đơn vị quản lý chương trình OCOP thông báo sản phẩm sắp hết hạn giá trị chứng nhận sao OCOP. Tôi quyết định tiếp tục tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm để nâng cao hơn nữa chất lượng. Quá trình đó, địa phương rất nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ tôi trong việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục cần thiết” - nghệ nhân Võ Văn Tạng (81 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.

Tuy cơ sở không quá lớn, nhưng tranh lá thốt nốt của ông Tạng và các học trò đã mang cảnh đẹp An Giang đi khắp mọi nơi, kể cả nước ngoài. Hiện nay, cơ sở của ông Tạng có 15 lao động lành nghề với mức thu nhập ổn định, từ 6 đến hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

“Sau học nghề, tôi được giữ lại làm việc. Tôi chăm chỉ học nghề, vài tháng sau mới quen với bút lửa và vẽ những nét đậm nhạt trên lá thốt nốt theo ý muốn. Với tiền lương hơn 6 triệu đồng/tháng, tôi có nguồn thu nhập ổn định” - chị Lê Thị Mỹ Thanh (34 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập) bày tỏ.

Tranh lá thốt nốt được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh yêu thích

Tiếp tục nâng tầm sản phẩm OCOP

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương; sự phối hợp của các cấp, ngành, hoạt động triển khai chương trình OCOP của huyện ngày càng phát huy. Từ đó, sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Các chủ thể kinh tế chú trọng hơn trong các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, quản lý và quảng bá sản phẩm.

“Đến nay, huyện Thoại Sơn có 13 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Cụ thể: Trung ương công nhận 2 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao (gạo Tiên Nữ và gạo Thiên Vương thuộc Công ty Lương thực Thoại Sơn); 11 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên: 1 sản phẩm đạt 4 sao OCOP (tranh lá thốt nốt) và 10 sản phẩm công nhận 3 sao OCOP (nấm linh chi, trà mãng cầu, gạo An Bình 1, bưởi da xanh, Atiso đỏ sấy dẻo, chả sốt Mayonaise, cóc sấy dẻo; trà sâm đinh lăng, rượu sâm đinh lăng và khô cá lóc). Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể kinh tế tăng quy mô sản xuất, doanh thu, góp phần tạo việc làm cho lao động, phát triển kinh tế nông thôn” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà cho biết.

Để sản phẩm OCOP của địa phương tiếp tục khẳng định thương hiệu, có sự lan tỏa lớn, ngành nông nghiệp huyện Thoại Sơn sẽ tham mưu UBND huyện đưa ra các giải pháp trọng tâm để phát triển sản phẩm OCOP, như: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho các sản phẩm OCOP gắn với tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài huyện. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tiếp cận về chuyển đổi số, các trang thiết bị phục vụ kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm tiềm năng…  

PHƯƠNG LAN