Lưu giữ chiếc bánh truyền thống
Đến ấp Mỹ Phó (xã Mỹ Đức) hỏi thăm gia đình chị Nguyễn Thị Đẹp (sinh năm 1974) chuyên làm các loại bánh dân gian có lẽ ai cũng biết. Trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng của ngôi nhà ở nông thôn, gia đình chị Đẹp dành riêng một mảnh đất rộng xây thành khu vực chuyên dùng để làm bánh, với đầy đủ các dụng cụ cần thiết.
Chị Đẹp cho biết: “Từ ngày về làm dâu trong gia đình, tôi thấy mẹ chồng làm rất nhiều loại bánh, như: Bánh ú tro, bánh da lợn, bánh bò thốt nốt, bánh bò rễ tre… Tôi dần học được đầy đủ tay nghề của mẹ”. Người dân trong hoặc ngoài xã Mỹ Đức khi có nhu cầu đặt bánh dùng vào các dịp đám tiệc, gia đình chị Đẹp đều nhận.
Trong các loại bánh dân gian do gia đình chị Đẹp làm ra, có lẽ bánh ú tro kỳ công hơn hẳn, bởi cần đến 3 ngày chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết, như: Ngâm nếp với nước tro, tước dây chuối buộc bánh, tìm lá tre bản to để gói bánh…
Chia sẻ về quá trình làm bánh ú tro, chị Đẹp kể: “Làm bánh ú tro cần nhiều thời gian vì phần nếp sau khi mua về phải vo sạch để khô nước, sau đó trộn nước tro gòn vào nếp ngâm thêm 3 ngày, tiếp tục rút nước để cho ráo hạt nếp và trộn nước lá dứa vào để tạo màu tự nhiên đẹp mắt. Còn phần đậu xanh làm nhân bánh ú được ngâm cho nở, nấu chín và xào cùng với đường. Đối với phần lá tre gói bánh và dây chuối buộc bánh gia đình trồng sẵn để chủ động khi có người đặt bánh”.
Trong những đợt bánh chị Đẹp làm giao cho khách luôn có sự góp sức của mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Xê. Ở tuổi 73, bà Xê vẫn thoăn thoắt đôi tay, trong tích tắt đã hoàn thành một chiếc bánh ú, cho thấy sự lành nghề của người đã mấy mươi năm gắn bó với chiếc bánh dân gian. Theo lời của bà Xê, tay nghề làm bánh của bà cũng được truyền lại từ mẹ chồng, nay truyền lại cho con dâu, cứ vậy mà nghề làm bánh của gia đình trở thành truyền thống, tiếp nối cho thế hệ sau.
Bà Nguyễn Thị Xê thoăn thoắt đôi tay gói những chiếc bánh ú tro
Cùng với những loại bánh dân gian truyền thống, ở xã Mỹ Đức còn có món bánh củ cải đặc sản đang được gia đình bà Mai Thị Ngọc Hạnh (sinh năm 1960, ngụ ấp Mỹ Phó) lưu truyền. Bánh củ cải là loại bánh mặn, chế biến từ bột năng, bột gạo, nhân thịt, tôm khô, củ cải trắng, củ cải đỏ… hương vị thơm ngon, béo ngậy. Để chế biến món bánh củ cải phải thực hiện nhiều công đoạn từ khâu pha bột, làm nhân và các nguyên liệu đi kèm khác.
Khuôn bánh củ cải sau khi được hấp chín
Bà Hạnh chia sẻ: “Bánh củ cải là loại bánh đặc trưng chỉ ở xã Mỹ Đức mới có. Thoạt nhìn bánh củ cải như bánh ướt mặn, nhưng điểm khác biệt chính là phần bột bánh được hấp cùng củ cải trắng, cải đỏ cắt sợi nhỏ tạo nên vị ngon đặc biệt. Ngoài ra, trong bánh củ cải không thể thiếu rau cần tàu để tạo hương vị. Quá trình làm một khuôn bánh củ cải mất nhiều thời gian ở khâu chuẩn bị nguyên liệu, còn khi hấp bánh cần 15 phút là hoàn thành”.
Với một khuôn bánh củ cải trọng lượng khoảng 2,8 đến 3kg, bà Hạnh làm cho khách với giá khoảng 150.000 đồng. Bánh củ cải hương vị thơm ngon, có thể dùng làm một trong những món đãi tiệc, nên gặp ngày tốt, đám cưới nhiều, có ngày bà Hạnh phải làm theo đơn hàng đến mấy mươi khuôn bánh. Đối với bà Hạnh, mỗi khuôn bánh làm ra như một cách quảng bá món đặc sản địa phương.
Phát triển sản xuất
Là một trong những món bánh có mặt từ rất lâu đời tại xã Mỹ Đức, bánh bò Mỹ Đức từng tạo nên tiếng tăm bởi độ mềm ngọt, thơm ngon đặc trưng. Với mong muốn phát triển sản xuất từ chính món bánh dân gian mà gia đình đã gắn bó hơn 30 năm qua, ông Lê Văn Tiên (ngụ ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức) đã đầu tư dụng cụ, máy móc phát triển sản xuất bánh bò thốt nốt, xây dựng Cơ sở bánh bò thốt nốt Mỹ Đức Thủy Tiên.
Đến nay, bánh bò thốt nốt Mỹ Đức Thủy Tiên có vị trí nhất định trong lòng thực khách trong và ngoài tỉnh. Ông Lê Văn Tiên cho biết: “Nghề làm bánh bò của gia đình tôi bắt nguồn từ mẹ vợ. Hồi xưa, máy móc hỗ trợ sản xuất chưa phát triển, mọi công đoạn làm bánh bò đều làm thủ công, rất vất vả. Do đó, số lượng bánh làm ra mỗi ngày không nhiều. Mấy năm nay, gia đình tôi đầu tư thêm máy móc hỗ trợ, nhất là ở khâu nhào trộn, pha bột, nên đỡ tốn công sức, rút ngắn thời gian, số lượng bánh làm ra cũng nhiều hơn. Trung bình cố định mỗi ngày gia đình tôi sản xuất theo đơn hàng khoảng trên 100 ổ bánh, nếu làm hết công suất có thể cung cấp khoảng 500 ổ bánh mỗi ngày”.
Bánh bò thốt nốt Mỹ Đức Thủy Tiên được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam lựa chọn là 1 trong 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I – 2022
Bánh bò thốt nốt của cơ sở Mỹ Đức Thủy Tiên chú trọng sử dụng nguyên liệu trong tỉnh, kể cả phần bột làm bánh và đường thốt nốt đặc trưng của vùng Bảy Núi. Hiện nay, bánh bò thốt nốt Mỹ Đức Thủy Tiên không chỉ được nhiều khách hàng trong tỉnh ưa chuộng, mà còn cung cấp cho nhiều đơn hàng ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai…
Để duy trì, phát triển nghề làm bánh dân gian tại địa phương, UBND xã Mỹ Đức phối hợp Hội LHPN huyện Châu Phú định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất bánh truyền thống hợp thức hóa các hồ sơ, đăng ký kinh doanh. Đối với một số hộ sản xuất như Cơ sở bánh bò thốt nốt Mỹ Đức Thủy Tiên đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình đơn vị thẩm quyền chứng nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)
|
MỸ LINH